(HNMCT) - Kiến trúc, cảnh quan làng quê đổi thay cùng sự vận động của xã hội là tất yếu. Nhưng, nông thôn mới mẻ đến mức lạ lẫm, làng quê bị bê tông hóa triệt để với đủ loại kiến trúc pha tạp, thậm chí là “học đòi” kiểu phương Tây, trong khi nét đẹp truyền thống mất đi đang là vấn nạn ở rất nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Trong bối cảnh ấy, kiến trúc nông thôn cần có quy hoạch, có định hướng để người dân có thể tìm ra sự thích ứng, đưa nét văn hóa truyền thống vào xã hội hiện đại.
Nông thôn “quá mới”
Nếu từng về làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cách đây khoảng hơn chục năm, không ai không mê mẩn. Trục đường chính của làng chạy dọc theo sông Nhuệ, từ đó các con ngõ tỏa đi. Mỗi ngõ có một chiếc cổng cổ nhuốm màu thời gian. Hài hòa với khung cảnh ấy là những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, hay những ngôi biệt thự được xây dựng từ thời thuộc Pháp, cách đây đến 80 - 90 năm. Khám phá phững ngôi nhà năm gian, ngói vảy cá rêu phong, những chiếc sân gạch đỏ au hay những tòa biệt thự trầm mặc trở thành niềm đam mê của dân “phượt” dù dịch vụ du lịch ở ngôi làng này gần như là con số 0. Hầu như bất cứ ngóc ngách nào người ta cũng tìm thấy dấu vết xưa cũ. Nếu không phải một nếp nhà thì là chiếc cổng, hay con cóc đá vốn là cây đèn ở bến sông Nhuệ... Người ta mách nhau đến Cự Đà để tìm về quá khứ. Nhưng giờ đây, đó đang dần là câu chuyện cũ...
Thời kỳ cao điểm, Cự Đà có khoảng 100 ngôi nhà cổ, biệt thự cổ. Con số này không kém Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là bao. Nhưng giờ, theo thống kê mới nhất thì cả làng chỉ còn khoảng 50 ngôi nhà cổ, nhà cũ. Rất nhiều trong số đó đang... chờ phá dỡ để dành không gian cho những ngôi nhà mới. Giờ vào các ngõ là thấy những nhà bê tông cao vút, hiếm hoi mới gặp được nếp nhà còn giữ mái ngói rêu phong. Những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm lâu ngày xuống cấp. Sửa chữa thì tốn kém. Trong khi đó, nhà cổ thường chỉ có một tầng, "hao" diện tích. Các gia đình sinh con đẻ cái, cần tách hộ, chia lô... Theo Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương, người dân phải dỡ đi, xây nhà mới trước hết vì nhu cầu cuộc sống, chính quyền chỉ có thể tuyên truyền, vận động chứ không thể can thiệp. Nhiều người muốn giữ nhà cổ nhưng không có giải pháp nào. Ngoài yếu tố kể trên, không thể không nói đến một tác nhân đẩy nhanh quá trình mai một của nhà cổ. Đó là việc khu đô thị Thanh Hà ra đời, lấy đi một phần diện tích đất nông nghiệp của người dân Cự Đà. Nhiều người có tiền không biết làm gì ngoài việc mua sắm, xây nhà. Không có ai hướng dẫn họ nên làm thế nào. Kết quả là những ngôi nhà ống đặc sệt nội thành ra đời. Những nhà có diện tích rộng thì mọc lên những ngôi biệt thự đồ sộ...
Hà Nội là địa phương có kết quả xây dựng nông thôn mới đi đầu cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế thì quá trình triển khai chương trình này cũng đặt ra những thách thức về giữ gìn bản sắc kiến trúc của nông thôn. Quy hoạch, kiến trúc chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, nên khi người dân càng có điều kiện xây dựng các công trình mới thì bộ mặt kiến trúc nông thôn càng xa rời bản sắc truyền thống. Không gian kiến trúc truyền thống bị phá vỡ. Những ao làng, hệ thống cây xanh bị mất đi. Nhiều công trình mọc lên có kiến trúc không phù hợp với không gian truyền thống. Trong đó, có cả những ngôi nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng được xây dựng như thể “bê” nguyên kiến trúc xa lạ về đặt giữa làng quê. Đối với các công trình nhà ở, không chỉ có hiện tượng “bê tông hóa” ở mức độ cao mà còn xuất hiện kiểu kiến trúc pha tạp. Nhiều mẫu nhà nhái nửa vời theo kiến trúc Pháp, hoặc sao chép kiến trúc nhà ống tại đô thị.
Câu chuyện Cự Đà là một trường hợp điển hình trong vô vàn ví dụ khác về quy hoạch, kiến trúc nông thôn. Những ngôi làng ven đô, tình trạng “làng không ra làng, phố không ra phố” càng phổ biến hơn, nhất là tại địa bàn các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức... Do đất chật, người đông, càng gần khu vực đô thị thì tình trạng cắt mặt đường làm nhà ống ngày càng phổ biến. Huyện Đông Anh là một trong những nơi mà sự biến đổi của kiến trúc nông thôn diễn ra chóng mặt nhất. Ông Đào Hữu Hồng (thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) cho biết: “Khi chủ đầu tư giải phóng mặt bằng để chuẩn bị xây dựng trung tâm triển lãm quốc gia, nhiều hộ gia đình nhận tiền đền bù đã lập tức xây dựng nhà cửa. Có hàng trăm ngôi nhà mới được xây, đủ loại kiến trúc từ Á đến Âu. Không ai hướng dẫn người dân nên xây gì, xây như thế nào nên làng có nhiều nhà to nhưng tổng thể không thể nói là đẹp”.
Cần những hình mẫu phù hợp
Làng quê Việt Nam vốn đẹp bởi sự hài hòa giữa yếu tố con người và thiên nhiên. Những cây đa, bến nước, mái đình không chỉ là những “hằng số” văn hóa, mà còn là không gian để điều tiết môi trường tự nhiên. Cùng với đó, các ngôi nhà của người Việt cũng đề cao yếu tố thuận tự nhiên. “Trước trồng cau, sau trồng chuối”, “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam”, đó đều là ý tứ đề cao yếu tố thuận tự nhiên. Song, làng không ra làng, phố không ra phố là thực trạng của phần lớn làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ hiện nay. Khi xây dựng nông thôn mới, các địa phương đều phải có quy hoạch, nhưng hiện nay, tại nông thôn, chỉ những ngôi nhà từ bảy tầng trở lên mới phải xin phép. Kiến trúc sư Nguyễn Luận (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết: “Chúng ta mới dừng ở định hướng chứ chưa có quy chuẩn. Muốn có nông thôn hiện đại, mới mẻ nhưng có bản sắc, cần đưa những yếu tố quy chuẩn vào công tác triển khai quy hoạch, kiến trúc”. Những lỗ hổng pháp lý đã góp phần làm kiến trúc nông thôn trở nên nhôm nhoam.
Để khắc phục tình trạng nói trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 04/CT-TTg (ngày 7-2-2023) về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Thừa nhận những bất cập trong quy hoạch, kiến trúc nông thôn hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật các vấn đề mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho từng vùng nông thôn trong bảo tồn và tôn tạo di sản, di tích, kiến trúc cảnh quan điểm quần cư nông thôn, tiêu chuẩn nhà ở nông thôn mới. Đặc biệt là cần nghiên cứu, bổ sung thiết kế mẫu các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, nhất là ở các vùng miền đặc trưng; nghiên cứu các mô hình nhà ở kết hợp với sản xuất; nghiên cứu và đề xuất các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn, hướng tới các mẫu nhà hiện đại, tiệm cận với các tiêu chuẩn sống của đô thị nhưng kế thừa nét kiến trúc truyền thống tiêu biểu, bền vững, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Có thể nói, đây là bước đột phá về tư duy trong quản lý, quy hoạch kiến trúc nông thôn. Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Hệ thống nhà cửa phải có định hướng để người dân tham khảo các mẫu nhà, để gắn kết được yếu tố truyền thống nhưng vẫn vươn tới hiện đại”. Nhiều chuyên gia văn hóa khác cũng cho rằng, nếu các mẫu nhà đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ, yêu cầu kinh tế và nhu cầu sử dụng thì người dân sẽ sớm tự nguyện làm theo.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho biết: “Hiện nay chúng ta đã ở giai đoạn 2 của xây dựng nông thôn mới, khi đã có những thành tựu đáng kể về kinh tế, hạ tầng. Ở giai đoạn này, văn hóa phải là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Nếu như thời kỳ đầu, chúng ta tập trung vào các vấn đề về kinh tế, điện, đường, trường, trạm thì bây giờ phải tập trung vào xây dựng văn hóa. Xây dựng văn hóa không phải là những thiết chế văn hóa, xây dựng nhà văn hóa mà phải xây dựng đời sống văn hóa, tư duy văn hóa như tình làng, nghĩa xóm thế nào, truyền thống văn hóa của địa phương, của xã, của làng ra sao. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo quy hoạch nhưng vẫn giữ được không gian, kiến trúc truyền thống của mỗi làng quê là việc làm vô cùng khó, nhưng khó đến mấy chúng ta vẫn phải làm. Việc gìn giữ và phát huy truyền thống của người Việt Nam trong xây dựng đời sống văn hóa, trong quy hoạch kiến trúc sẽ góp phần xây dựng con người Việt Nam vừa hiện đại vừa giữ được nét đẹp truyền thống”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.