(HNMO) - Sáng 21-9, Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo của Thủ đô”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.
Hà Nội sẽ đầu tư cho các dự án ươm tạo công nghệ
Báo cáo về việc đề xuất chính sách do PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình bày cho biết, Điều 13 Luật Thủ đô năm 2012 quy định chính sách phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm thu hút, phát huy tiềm lực của các tổ chức nghiên cứu, đào tạo khoa học và công nghệ và các nhà khoa học và công nghệ trên địa bàn tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô; khuyến khích phát triển các dịch vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, chuyển nhượng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô giai đoạn 2013-2020 nhận định chung về bất cập của việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành, “Hoạt động khoa học - công nghệ của thành phố Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định nguyên nhân về mặt thể chế của bất cập, hạn chế trong phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô, đó là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá. Hệ thống cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ chưa hoàn thiện; chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp nhìn chung còn yếu…
Theo báo cáo, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã triển khai thu thập thông tin, xây dựng báo cáo đánh giá tác động các chính sách “Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô” với mục tiêu: Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á..
Báo cáo đưa ra 3 giải pháp gồm: Giữ nguyên như hiện hành Quy định Luật Thủ đô và hệ thống pháp luật có liên quan trong lĩnh vực khoa học - công nghệ; thành phố được quy định các cơ chế, biện pháp và khuyến khích áp dụng các cơ chế thí điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Qua phân tích tác động tích cực, tiêu cực của các giải pháp, giải pháp 3 được ưu tiên đề xuất lựa chọn để thực hiện mục tiêu chính sách đặt ra.
Dự kiến mô hình của giải pháp 3 là: Đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách thành phố và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thu hút, thúc đẩy khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ theo lĩnh vực ưu tiên được thành phố chấp thuận.
Thành phố đầu tư cho các dự án ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các cơ sở ươm tạo. Dự kiến ngân sách thành phố hỗ trợ 30-70% tổng số vốn mà dự án cần huy động, phần còn lại từ nguồn xã hội hóa (vườn ươm, doanh nghiệp, quỹ đầu tư tư nhân, vốn cộng đồng… do cơ sở ươm tạo huy động). Tổng chi ngân sách nhà nước tăng giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 450 tỷ đồng, tạo ra 45 doanh nghiệp thành công, tổng cộng nguồn vốn dự kiến thu hút được cho 45 doanh nghiệp 1.093 tỷ đồng, gấp 2,4 lần vốn ngân sách nhà nước đầu tư.
Đề xuất các giải pháp
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, thảo luận về đề xuất chính sách của thành phố. Trong đó, các đại biểu nhất trí trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô lần này cần xây dựng chính sách phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô, từ đó sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể trong Luật Thủ đô hiện hành nhằm xây dựng, vận hành cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội.
Các đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện chính sách này, cần có nhiều giải pháp: Có biện pháp ưu đãi hỗ trợ đặc thù để thu hút nguồn lực, sử dụng nguồn lực sẵn có, bảo đảm quyền tự chủ, tính dân chủ thông thoáng trong quản lý khoa học; hỗ trợ thúc đẩy, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thủ đô; áp dụng các cơ chế thí điểm để đổi mới sáng tạo, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Đặc biệt, từ các tiềm năng, thế mạnh riêng có của Thủ đô và những yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ để đổi mới sáng tạo trong thời gian tới cần có cơ chế chính sách mới thực sự đặc thù, vượt trội và mang tính đột phá, từ đó thiết kế thành các quy định cụ thể, khả thi trong Luật Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc xây dựng Luật Thủ đô không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước, bởi Thủ đô phát triển thì đất nước phát triển. Khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo phải tăng GDP, phải là động lực để tăng thu nhập cá nhân đầu người.
Cho rằng việc ứng dụng các chính sách còn chưa hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề nhức nhối như xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, nguồn nước…, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho rằng cần có vai trò dẫn dắt của Nhà nước chứ không để hoàn toàn xã hội hóa. Đặc biệt, cần phải rõ mục tiêu, đích hướng đến và kết quả đầu ra.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu ghi nhận, các ý kiến trao đổi, thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều gợi mở về chính sách mới cho Thủ đô Hà Nội.
“Các ý kiến sẽ được ghi nhận, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu sâu sắc để tiếp tục hoàn thiện chính sách này, đánh giá tác động một cách toàn diện để xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong thời gian tới”, ông Phan Chí Hiếu khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.