Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có chiến lược tổng thể

Hồng Sơn| 28/11/2011 07:14

(HNM) - Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn, vai trò ngày càng quan trọng của hoạt động thương mại biên giới phía Bắc giữa DN, thương nhân các tỉnh phía Bắc và đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế hoạt động này cũng bộc lộ nhiều bất cập, cần nhận diện rõ để sớm tháo gỡ...


Tồn tại nhiều bất cập

Giai đoạn 2006-2011, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc qua biên giới tăng khoảng 29%/năm, trong đó kim ngạch năm 2006 đạt 2,8 tỷ USD, tăng lên 7,1 tỷ USD năm 2010, riêng 9 tháng đầu năm 2011 đạt hơn 6,3 tỷ USD. Về cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu, DN của ta nhập chủ yếu các loại vật tư, thiết bị, hàng dân dụng… Ngược lại, ta xuất khẩu nhiều loại nông - thủy sản, thực phẩm, nguyên liệu thô, đồ gỗ… Việc duy trì hoạt động biên mậu Việt - Trung đã mang lại nhiều lợi ích cho DN và người dân xung quanh vùng biên giới, nhất là về thu nộp ngân sách, tạo việc làm, an sinh xã hội, chưa kể từ đó còn tác động dây chuyền tới nhiều hoạt động liên quan gián tiếp với nhiều tỉnh, khu vực khác về lao động, sản xuất, dịch vụ, ngân hàng…


Thương mại biên giới phía Bắc còn bộc lộ nhiều bất cập. Ảnh: Khánh Nguyên

Tuy nhiên, thương mại biên giới cũng đã, đang bộc lộ nhiều bất cập, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho DN, thương nhân Việt Nam. Trước hết, chúng ta chưa có chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các cửa khẩu biên giới, lại càng chưa có quy định theo hình thức xã hội hóa nhằm khuyến khích DN đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong khi đó, phần lớn các tỉnh biên giới đều nghèo. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng giao thương cũng như tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của DN trong nước. Bộ Công thương xác nhận, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, thiết bị phụ trợ là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng ùn tắc trong xuất khẩu hoa quả qua biên giới, nhất là ở thời điểm chính vụ, khiến không ít DN điêu đứng. Hàng loạt dịch vụ công để hỗ trợ DN cũng chưa hoàn thiện, như các dịch vụ quảng cáo, tư vấn, giới thiệu quy định pháp lý... của Trung Quốc với DN và hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Dịch vụ thanh toán tiền còn đơn điệu, không theo kịp yêu cầu của DN trong việc đổi tiền, gửi tiền, chuyển khoản, thanh toán qua ngân hàng. Những hạn chế về thanh toán khiến DN thường xuyên bị động, thậm chí nảy sinh thiệt hại trong những hoàn cảnh cụ thể. Dịch vụ giao nhận, kho bãi, bảo quản hàng hóa cũng chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của DN đang trên đà gia tăng nhanh chóng…

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Việt Nam chưa xây dựng được một chiến lược tổng thể cho việc phát triển thương mại toàn tuyến biên giới Việt - Trung; công tác nghiên cứu, dự báo, hướng dẫn DN còn yếu. Đặc biệt, ta chưa có chính sách cụ thể để phát triển các loại hàng phục vụ xuất khẩu qua biên giới, từ đó xảy ra tình trạng tự phát trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ hàng từ phía các DN và địa phương trong nước…

Giải pháp tháo gỡ

Vào dịp cao điểm, mỗi ngày có khoảng 500 xe chở nông sản xếp hàng qua biên giới, nhưng các cơ quan chức năng không thể giải quyết nhanh gọn theo yêu cầu của DN. Thực tế này dẫn tới tình trạng ứ đọng, gây hư hại nông sản, đôi khi cũng là tiền đề gây ra việc ép giá, đặt điều kiện khắt khe với hàng xuất của ta và xảy ra nhiều trường hợp nông sản bị hỏng.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã đề xuất việc xây dựng chiến lược phát triển thương mại biên giới Việt - Trung tầm trung, dài hạn để phát huy thế mạnh, tiềm năng về năng lực sản xuất và dịch vụ liên quan theo tinh thần khuyến khích xuất khẩu với DN, thương nhân, cũng như hỗ trợ với một số mặt hàng như nông, lâm, thủy sản đã qua chế biến. Lãnh đạo các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… đều mong muốn Chính phủ tạo cơ chế phù hợp, nhất là đề nghị dành vốn đầu tư, nâng cấp hạ tầng khu vực đường biên, tập trung vào đường bộ, cửa khẩu, phương tiện vật chất phục vụ thông quan, kiểm tra hàng hóa. Mặt khác cần nghiên cứu, ban hành cơ chế xã hội hóa để thu hút đầu tư xây dựng những trung tâm phân phối, kho bãi trung chuyển, bảo quản hàng hóa. Bên cạnh đó là việc tập trung nguồn lực hoàn thành tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Cao Bằng qua Bắc Kạn, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, trang bị toa tàu đông lạnh để nâng cao năng lực vận chuyển hàng nông sản chế biến…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần có chiến lược tổng thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.