(HNM) - Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực không phải vấn đề mới với các quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, nhưng với Việt Nam, đây luôn là câu chuyện thời sự.
Phát huy lợi thế, tiềm năng về đồng đất, năng lực canh tác, Hà Nội và nhiều địa phương đã quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ vào các vùng sản xuất nông sản chủ lực như lúa gạo, cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa, rau… thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa, tạo bước phát triển mới cho kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, để nông sản chủ lực Việt Nam định hình được thương hiệu trên thị trường quốc tế vẫn là cả vấn đề.
Từ việc chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp là lợi thế của mỗi vùng miền gắn với nhu cầu của thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức theo chuỗi giá trị...; qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho các doanh nghiệp và người nông dân. Đơn cử như thu nhập từ các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao hướng tới xuất khẩu ở Hà Nội tăng 25-30% so với sản xuất lúa theo phương thức truyền thống.
Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam hướng tới xuất khẩu vẫn còn không ít hạn chế như: Sản phẩm có giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống; chất lượng sản phẩm chưa ổn định; tỷ lệ sản phẩm định hình được thương hiệu trên thị trường thế giới chưa cao.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên như: Sản xuất trong nước chủ yếu nhỏ lẻ, đầu tư chưa xứng với tiềm năng, lợi thế… Trong khi đó, hệ thống thông tin, phân tích thị trường còn nhiều hạn chế và đặc biệt là các chính sách hỗ trợ chưa đi vào thực tiễn, nhất là việc thu hút doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến sâu và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Do vậy, để phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội và các địa phương cần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo vùng sinh thái để phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Đồng thời, tập trung cải tiến kỹ thuật canh tác, đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chú trọng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách về đất đai, bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là xem xét giảm thuế sử dụng đất, thuê đất; giảm thuế vật tư “đầu vào” với các loại cây trồng chủ lực... Mặt khác là nghiên cứu, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận với các nguồn vốn vay…
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế thì không thể không nói đến các giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm… Ngoài ra, cần linh hoạt trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở ra các thị trường xuất khẩu mới cho nông sản chủ lực, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống. Đặc biệt, Hà Nội và các địa phương cần ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi nội đồng…; nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ cho người nông dân…
Vận hành chặt chẽ các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, bảo đảm tuân thủ quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước, mà qua đó hướng tới xuất khẩu an toàn, bền vững…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.