(HNM) - Việc phát triển mạng cấp nước sạch tập trung khu vực ngoại thành Hà Nội là chủ trương lớn của thành phố, nhằm dần xóa bỏ tình trạng sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh, xây dựng nông thôn mới hiện đại, nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Bằng nhiều nỗ lực, cố gắng, thông qua cơ chế xã hội hóa đầu tư nguồn cấp và mạng lưới đường ống cấp nước, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch tập trung từ mạng cấp nước của thành phố tính đến hết năm 2021 đã đạt 80%. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu thành phố đề ra, tỷ lệ này thấp hơn 5%.
Có nhiều lý do dẫn đến việc nhiều dự án cấp nước sạch đã được giao cho nhà đầu tư, nhưng chậm triển khai, phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua, khiến cho việc huy động vốn đầu tư, nhân lực, nhập khẩu thiết bị bị chậm trễ. Đặc biệt, có thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, việc thi công các dự án gần như đình trệ. Ngoài ra, nhiều dự án mạng cấp nước đã hoàn thành nhưng tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước sạch thấp nên hiệu quả đầu tư không cao. Về chủ quan, bên cạnh tình trạng có nhà đầu tư năng lực hạn chế, nhận dự án xong rồi... để đấy, còn có một số sở, ngành, địa phương liên quan chậm phối hợp xử lý công việc, giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai dự án cấp nước, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.
Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 98-100%. Để hoàn thành chỉ tiêu này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch xác định danh mục dự án ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực thực hiện; trong đó có những dự án lớn như: Nhà máy nước mặt sông Hồng, 8 dự án mạng cấp nước cho 182 xã, với 349.353 hộ, hơn 1,45 triệu người.
Như vậy, từ nay đến năm 2025, các nhà đầu tư phải hoàn thành các dự án như cam kết với thành phố. Do đó, việc bố trí nguồn lực, gồm: Tài chính, nhân lực, phương tiện thi công… phải được thực hiện ngay. Nhà đầu tư phải đôn đốc các nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công hợp lý, tranh thủ thời gian thi công ngay với khu vực đã đủ điều kiện; thay thế nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực.
Cùng với nỗ lực của nhà đầu tư, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố cần tăng cường phối hợp, gấp rút giải quyết thủ tục liên quan, sớm triển khai giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất cho nhà đầu tư thi công, chủ động tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho nhà đầu tư theo thẩm quyền. Mặt khác, các sở, ngành, địa phương cũng phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nhất quyết không lùi tiến độ nếu không có lý do chính đáng và kiến nghị chế tài với nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát nhiệm vụ, đề xuất giải pháp hoàn thành các dự án cấp nước gắn với cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư cân đối nguồn vốn triển khai dự án, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Về phía các địa phương cần đồng hành cùng nhà đầu tư, vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu về tầm quan trọng của nước sạch, nâng tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng hệ thống nước sạch tập trung của thành phố. Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, 98-100% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ mạng cấp nước tập trung của thành phố, từ đó nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.