(HNM) - Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), lượng người dùng 4G gia tăng nhanh chóng sau khi cả 3 doanh nghiệp Viettel, MobiFone, VinaPhone khai trương dịch vụ này.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ 4G của Viettel. Ảnh: VĂN PHONG |
Chưa có băng tần chuẩn cho 4G
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2016, Bộ TT-TT đã lần lượt cấp giấy phép thiết lập và cung cấp dịch vụ 4G cho 3 doanh nghiệp: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).
Tuy nhiên, giấy phép này không bao gồm tần số. Do vậy, để triển khai sớm dịch vụ đến với khách hàng, các nhà mạng đã lần lượt thiết lập mạng lưới ở tần số 1.800 MHz, đang được cung cấp dịch vụ 2G. Điều đó cũng đồng nghĩa các nhà mạng chỉ có lượng băng thông nhỏ để thiết lập 4G, khoảng 10-20 MHz.
Trong khi đó, số lượng người dùng 4G ngày một tăng (ước tính cả nước có trên 13 triệu thuê bao 4G), nhất là tại các thành phố lớn, nên chất lượng bị hạn chế. Theo ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (thuộc Bộ TT-TT), với lượng băng thông nhỏ này, tốc độ đỉnh 4G chỉ đạt khoảng 40Mbps, trong khi đó tốc độ đỉnh thực sự của 4G là 1Gbps.
Để bảo đảm chất lượng 4G, từ năm 2017, Bộ TT-TT, Cục Tần số Vô tuyến điện đã lên kế hoạch để cấp phép băng tần 2.600 MHz cho doanh nghiệp bằng hình thức đấu giá. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước đã công bố hồ sơ đấu giá băng tần 2.600 MHz; thành lập Hội đồng đấu giá. Tuy nhiên, việc đấu giá dự kiến lại diễn ra đúng thời điểm Luật Đấu giá tài sản công có hiệu lực từ tháng 7-2017, theo đó không quy định cho việc đấu giá loại tài sản đặc biệt này.
Do vậy, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan xin ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định để thực hiện đấu giá tần số… Đáng chú ý, cùng thời điểm này, hai tập đoàn VNPT và Viettel đều có kiến nghị đề xuất Bộ cho phép doanh nghiệp thử nghiệm cung cấp 4G trên băng tần 2.600 MHz.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngày 26-7 vừa qua Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan về việc phát triển mạng 4G. Sau khi nhấn mạnh việc “không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại”, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải mong muốn các bộ, ngành đồng thuận, giải quyết thủ tục, cấp phép sớm cho các doanh nghiệp triển khai 4G. Ý kiến của các bộ ngành thống nhất phải làm việc trực tiếp đến cùng, thật cụ thể để sớm nhất có thể có quyết định cấp phép khai thác băng tần 2.600 MHz cho nhà mạng. Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã giao Bộ TT-TT xây dựng và đề xuất phương án sớm cấp phép băng tần 4G cho doanh nghiệp và báo cáo Phó Thủ tướng vào cuộc họp diễn ra trong đầu tháng 8 này.
Sẽ tổ chức đấu giá?
Trở lại với hình thức cấp phép tần số cho các nhà mạng, có hai hình thức được đề cập là thi tuyển và đấu giá nhằm bảo đảm sự minh bạch. Với hình thức thi tuyển, từ năm 2009, cơ quan quản lý nhà nước đã từng tổ chức thi tuyển việc cấp 4 giấy phép thiết lập mạng 3G cho 5 doanh nghiệp. Việc thi tuyển có ưu điểm là không phải chờ hướng dẫn của Luật Đấu giá tài sản công - một khâu đang vướng mắc; chỉ do Bộ TT-TT tổ chức và các doanh nghiệp sẽ làm bài thi theo quy định (cam kết cụ thể về vốn, thời gian triển khai dịch vụ, tỷ lệ phủ sóng dịch vụ…); đặc biệt là phải đặt cọc một khoản tiền trong ngân hàng để bảo đảm nguồn lực triển khai. Song, nhược điểm là nhà nước sẽ không thu được một khoản tiền về cho ngân sách vì tần số là một loại tài sản có giá trị đặc biệt; trong khi đó, theo quy định doanh nghiệp muốn thi tuyển phải đặt cọc, nhưng chỉ là “giữ hộ” vì sau một thời gian, số tiền này lại được hoàn trả cho nhà mạng.
Còn nếu tổ chức đấu giá, nhà nước sẽ thu được một khoản tiền cho ngân sách. Ngoài ra, việc tổ chức đấu giá cũng được đánh giá là có tính cạnh tranh cao và minh bạch hơn. Song, điểm vướng khiến chưa thể triển khai là do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải đợi văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đấu giá tài sản công, do đó không có căn cứ để áp dụng cũng như đưa ra mức giá khởi điểm. Đồng thời, các nhà mạng (Viettel, VinaPhone, MobiFone) tham gia đều là doanh nghiệp nhà nước và khi thực hiện đấu giá họ sẽ phải thực hiện thủ tục đầu tư trình cơ quan chủ quản phê duyệt…
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước nên tổ chức hình thức cấp phép bằng đấu giá vì như đã nêu, hình thức này cạnh tranh hơn nên độ minh bạch sẽ cao hơn; thêm nữa, sẽ đem lại một nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hình thức đấu giá cấp phép băng tần cũng được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng.
Một căn cứ quan trọng nữa để tổ chức đấu giá là Bộ TT-TT nên vận dụng tối đa quy định trong Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg ngày 8-3-2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện... Hiện Bộ TT-TT đang hoàn thiện và đề xuất phương án để báo cáo theo yêu cầu tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì ngày 26-7 vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.