(HNM) - Chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra vào trung tuần tháng 4, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với các tỉnh thuộc ba khu vực Bắc, Trung, Nam về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư.
Cụ thể, đó là các khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đòi lại đất cũ qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, từ năm 2008 đến nay, chỉ riêng tại Bộ TN&MT, số vụ việc tranh chấp, liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ 80-98% tùy giai đoạn. Trong số hơn 25.300 lượt đơn khiếu nại, tố cáo mà Bộ đã nhận, có hơn 16.000 lượt đơn của người dân khu vực phía nam và đây cũng là khu vực tập trung nhiều vụ việc khiếu nại đông người, kéo dài. Còn tại khu vực phía bắc và miền Trung, các vụ việc khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý và thu hồi đất, giao đất để thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; dự án trồng rừng, chuyển đổi rừng trồng cao su, dự án xây dựng nhà máy thủy điện... chiếm khoảng 70%.
Lĩnh vực thu hồi đất làm dự án, phương án đền bù, giá đất... vẫn là điểm nóng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong những năm qua. Ảnh: Linh Ngọc
Mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng trên, cả Thanh tra Chính phủ lẫn ý kiến của các địa phương đều cho rằng: Thời gian gần đây, để phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền các địa phương thu hồi đất của dân rồi giao cho các nhà đầu tư để làm dự án khu đô thị, khu thương mại… nhưng quy định của pháp luật về vấn đề này còn quá nhiều bất cập. Trong khi đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, việc giải phóng mặt bằng thiếu công khai, dân chủ, khiến người dân bức xúc. Không ít địa phương trong quá trình giải quyết chưa chú trọng đối thoại với dân hoặc còn nặng về hành chính, mệnh lệnh. Tại các tỉnh khu vực phía bắc, đã xuất hiện một số trường hợp cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo hoặc ban hành quyết định giải quyết nhưng cấp dưới chậm trễ, không thực hiện. Tại Tây Nguyên, công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp bị buông lỏng ở hầu hết các địa phương có rừng. Đáng lưu ý, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu tập trung và kém hiệu quả. Thủ trưởng cơ quan hành chính chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là cấp huyện. Cá biệt, một số nơi còn tình trạng cố chấp, thách thức với công dân làm cho tình hình càng nóng thêm.
Chính sách đất đai cần phải thay đổi
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết, tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng ở địa bàn giáp ranh với các địa phương khác như Long An, Đồng Tháp… gặp rất nhiều khó khăn vì có sự so sánh, dễ phát sinh khiếu nại. Ông Nguyễn Văn Khang đề nghị, cùng với thanh, kiểm tra thường xuyên, chính sách đất đai phải sửa đổi, nhất là giá đất phải theo thị trường. Trên thực tế, đây cũng là một trong số hàng loạt đề xuất mới của Bộ Tài chính trong dự thảo "Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020". Theo đề án, để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, phải xác định giá đất theo giá thị trường; mở rộng chính sách đấu giá đối với cả đất chưa giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu các dự án có sử dụng đất nhằm hạn chế tối đa tình trạng giao đất, cho thuê đất theo phương thức chỉ định. Ngoài ra, cần bổ sung đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng để khuyến khích người sử dụng đất có biện pháp sử dụng hiệu quả, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì cần phải thu hồi, chuyển đổi cho người có nhu cầu.
Với đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, chuyển từng bước từ cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất như hiện nay sang thuê đất theo nguyên tắc giá thị trường để tạo lập tính chủ động, minh bạch trong hạch toán dịch vụ công. Trường hợp Nhà nước giao nhiệm vụ theo đơn đặt hàng thì thanh toán theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí cho đơn vị.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, đề án này khá vĩ mô, để đi vào thực tế rất khó. Ngay như quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP hiện nay đã bao gồm không ít nội dung kể trên. Cụ thể, về nguyên tắc, chủ đầu tư phải mua quyền sử dụng đất theo giá tự thỏa thuận hoặc thương lượng mức đền bù cho người đang sử dụng đất sát với giá thị trường. Nhưng thực tế, dù có cố gắng lắm cũng vẫn thấp hơn thị trường đến 30%, thậm chí có những nơi chỉ bằng 50% giá thị trường. Điều này cho thấy, Nhà nước vẫn chưa tổ chức được hệ thống giá đất sát với giá thị trường. Do đó, nếu thực hiện đề án của Bộ Tài chính thì Chính phủ, Quốc hội cần tính toán kỹ và đề ra lộ trình thực hiện với mức giá cụ thể, chi tiết cho từng giai đoạn mới tránh được tình trạng hô hào khẩu hiệu, khi đó người dân sẽ bớt thắc mắc. Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, công bằng, khách quan đánh giá, đúng là có nhiều vị trí còn bất hợp lý, giá đất thực tế cao hơn nhiều lần so với quy định nhưng đó chỉ là cá biệt. Con số khiếu kiện về đất đai lên tới 70-80% còn một phần nguyên nhân là do sự đòi hỏi của người dân vượt quá quy định hoặc do cán bộ làm công tác này còn có biểu hiện tiêu cực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Do đó, ngoài thiết lập cơ chế rõ ràng về giá đất, cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là khu vực nông thôn, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện đi đôi với việc nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: "Thực hiện nhiều dự án, tâm lý lãnh đạo, các cơ quan chức năng và nhà đầu tư là sau khi có giấy phép chỉ lo khởi công dự án, trong khi chưa biết giải phóng mặt bằng thì dân ở đâu, bồi thường thế nào? Quá trình thực hiện dự án thường chỉ quan tâm đến tính hiệu quả, lợi nhuận của công trình mà thiếu quan tâm đến đời sống người dân. Chưa kể, một phần hệ thống pháp luật lại không đồng bộ, cái sau chồng cái trước, nhận thức khác nhau, mỗi nơi vận dụng mỗi kiểu làm người dân bức xúc". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.