Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần cách tiếp cận sáng tạo và tư duy liên ngành trong quản lý tài nguyên di sản

Vân Hạ| 01/01/2023 06:50

(HNMCT) - Mới đây, một chương trình đào tạo Tiến sĩ Di sản học đã ra mắt. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước đào tạo cả 3 bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ về Di sản học.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu.

- Tuy còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng khoa học liên ngành ngày càng được nhìn nhận đúng với tầm quan trọng của nó. Vậy, với Di sản học, tư duy liên ngành đóng vai trò như thế nào, thưa ông?

- Di sản là thuật ngữ có nội hàm rộng lớn, trong đó tập trung nhấn mạnh đến các yếu tố vật chất và tinh thần được con người sáng tạo trong quá khứ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Di sản cũng đồng thời là những tài sản có giá trị đang được kế thừa khai thác, sử dụng để phục vụ cho cuộc sống hôm nay. Khái niệm di sản, do đó, cần được hiểu như một thực thể năng động, sáng tạo và thực sự đang sống cùng với chúng ta trong xã hội hiện đại.

Di sản học, về thực chất là một lĩnh vực của khoa học liên ngành mới xuất hiện trong khoảng ba thập niên qua. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi chính trong quá trình thực hành bảo tồn dưới mô hình quản lý văn hóa, người ta phát hiện ra hàng loạt vấn đề xã hội có tính quy luật khác nhau tập trung xung quanh mối quan hệ giữa con người với di sản. Bên cạnh đó, việc phê phán quan điểm bảo tồn chỉ dựa trên việc tuân thủ các nguyên tắc và hệ thống công ước quốc tế về di sản của UNESCO cũng là một trong những căn nguyên cho sự ra đời Di sản học. Do đó, thực tiễn vừa là động lực vừa là môi trường để xây dựng cũng như kiểm nghiệm, đánh giá các tiếp cận và giải pháp khác nhau nhằm tìm ra một phương hướng bảo tồn di sản mang tính chất tổng hợp, biện chứng và hiệu quả nhất.

Việt Nam có gia tài di sản vào loại đồ sộ trên thế giới. Tuy nhiên, để di sản thực sự kiến tạo những giá trị mới, để có thể quản lý tài nguyên di sản một cách hài hòa và bền vững, đòi hỏi một cách tiếp cận sáng tạo và tư duy liên ngành trong các hoạt động quản lý, thực hành, nghiên cứu.

Khoa học liên ngành hình thành và phát triển như một quy luật tất yếu, giúp tăng sự liên thông, tương hỗ giữa các ngành, và trên hết, góp phần vào giải quyết những vấn đề phức tạp của thực tiễn một cách thiết thực và trọn vẹn hơn - bao gồm cả những vấn đề của di sản.

- Chương trình đào tạo của khoa Các khoa học liên ngành có điểm gì khác biệt, thưa ông, đặc biệt là với ngành Di sản học?

- Hiện nay, việc xây dựng các chương trình đào tạo mang tính liên ngành gần như trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với hệ thống giáo dục trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và phức tạp của thị trường lao động. Tại Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong số ít cơ sở giáo dục có các đơn vị đào tạo chuyên biệt mang tính liên ngành khi phát triển khoa Các khoa học liên ngành từ trên nền tảng của khoa Sau đại học với sứ mệnh là đơn vị trọng điểm về đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao đối với các chương trình có tính liên ngành, liên lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ, chuyển giao tri thức liên ngành, liên lĩnh vực. Khoa học liên ngành cũng đồng thời được coi là một trong bốn trụ cột trong chiến lược phát triển chung của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiện tại, khoa Các khoa học liên ngành đã xây dựng được 10 chương trình đào tạo ở cả ba bậc học là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ với khẩu hiệu hành động chung là “làm chủ thế giới bằng tri thức liên ngành”. Định hướng chuyên môn trong tất cả các chương trình đào tạo tại khoa là các lĩnh vực mới mang tính tiên phong và đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay là biến đổi khí hậu và khoa học bền vững, đô thị và vùng lãnh thổ, di sản học và công nghiệp văn hóa - sáng tạo, trong đó chương trình tiến sĩ Di sản học vừa được chính thức ra mắt, sẽ thực hiện đào tạo từ năm 2023.

Một trong những điểm khác biệt cơ bản của chương trình đào tạo tiến sĩ Di sản học và các chương trình đào tạo tại khoa Các khoa học liên ngành nói chung đó là bên cạnh tư duy và tiếp cận liên ngành thì nó có tính thực tiễn, cập nhật và quốc tế hóa cao.

Bên cạnh đó, tại khoa Các khoa học liên ngành, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản được coi là một phần không thể tách rời trong định hướng chung mang tính chất sáng tạo và nghệ thuật. Khoa Các khoa học liên ngành được kỳ vọng trở thành trung tâm phát triển các lĩnh vực sáng tạo - nghệ thuật, hướng tới thành trường liên ngành sáng tạo và nghệ thuật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây sẽ là cơ sở giáo dục tập trung đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp và sáng tạo theo hướng liên ngành, kết nối cùng các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, đào tạo ở Việt Nam, để cùng góp sức cho phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo ở Việt Nam và thúc đẩy sự hội nhập thế giới trong lĩnh vực này.

- Một trong nhiều câu hỏi mà các bạn trẻ và các bậc phụ huynh đặt ra tại các hội thảo, tọa đàm về công nghiệp văn hóa, sáng tạo hình ảnh là cơ hội việc làm, thu nhập. Ông có lời khuyên gì cho họ không?

- Công nghiệp văn hóa và sáng tạo là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội trong những năm gần đây. Thực tế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới cho thấy đây là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của tương lai khi mà “những giá trị dựa trên các ý tưởng sáng tạo mới lạ sẽ tốt hơn là các nguồn lực truyền thống như đất đai, lao động và vốn”. 

Tại Việt Nam, những đóng góp ngày càng lớn của lĩnh vực này trong sự phát triển kinh tế đã tạo ra sự thay đổi về nhận thức cũng như sự quan tâm của xã hội và Nhà nước. Với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời của đất nước, với tiềm năng của một thị trường lao động trẻ và trong bối cảnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì cơ hội việc làm với thu nhập cao cho sinh viên các ngành văn hóa và sáng tạo là rất lớn.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là những đòi hỏi rất khắt khe, yêu cầu tư duy sáng tạo cao của các lĩnh vực công nghiệp văn hóa thì việc chủ động xây dựng hệ thống kỹ năng, tư duy độc lập và nền tảng kiến thức liên ngành là nhiệm vụ tối quan trọng đối với các bạn sinh viên.

Chẳng hạn đối với sinh viên các ngành Quản trị tài nguyên di sản hay Quản lý giải trí và sự kiện tại khoa Các khoa học liên ngành, bên cạnh nền tảng tri thức liên quan tới di sản và văn hóa, khả năng tác nghiệp trong các lĩnh vực chuyên môn như bảo tồn di sản và tổ chức sự kiện thì các em cũng được học về quản trị, marketing, truyền thông, kinh doanh, được trang bị kỹ năng sử dụng hợp lý các nền tảng, công nghệ, phương pháp, công cụ trong quản lý và điều hành...

Ngoài ra, tăng cường năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cũng là một trong những yêu cầu không thể thiếu đối với những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Khả năng cập nhật tri thức và xu hướng sáng tạo sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của từng cá nhân và cả lĩnh vực kinh tế này ở Việt Nam trong tương lai.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần cách tiếp cận sáng tạo và tư duy liên ngành trong quản lý tài nguyên di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.