Văn nghệ

Đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay: Nỗ lực đóng góp phát triển công nghiệp văn hóa

An Nhi 24/10/2024 - 15:51

Trong khuôn khổ Chương trình giao lưu truyền thống các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc lần thứ XIII – năm 2024, tại Hà Nội, do Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đăng cai, sáng 23-10, cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường văn hóa nghệ thuật hiện nay” đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết nhằm hướng tới xây dựng lực lượng nghệ thuật chuyên nghiệp, tạo bước tiến trong phát triển công nghiệp văn hóa đất nước.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Vũ Tiến Dũng nhấn mạnh, Chương trình giao lưu, gặp mặt các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) đã trải qua chặng đường 25 năm tổ chức. Đến nay, có gần 20 trường VHNT của các tỉnh, thành phố trong cả nước liên tục tham gia các đợt giao lưu thường kỳ tổ chức tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh.

quang-canh.jpg
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: T.Du

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Dũng, bên cạnh các chương trình biểu diễn, chương trình giao lưu còn có hội thảo, tọa đàm chuyên môn sâu sắc, phản ánh đầy đủ và toàn diện những thời cơ, thách thức trong hoạt động đào tạo năng khiếu nghệ thuật và thực hành biểu diễn. Hoạt động này cũng đã đóng góp nhiều đề xuất, kiến nghị đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và các cơ quan chủ quản của các tỉnh, thành phố như một tiếng nói chung của các trường đào tạo VHNT trong cả nước, nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành VHNT của các địa phương và cả nước.

Cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường VHNT giai đoạn hiện nay” được thực hiện nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để các trường cùng nhau tháo gỡ những khó khăn chung, cùng phát triển trong sự nghiệp đào tạo VHNT và gìn giữ văn hóa dân tộc.

Nỗ lực trong thách thức

Đào tạo nguồn nhân lực VHNT là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn mới. Hiện nay, cả nước có 54 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học VHNT chuyên nghiệp và nhiều cơ sở có khoa đào tạo về lĩnh vực này. Với gần 200 chuyên ngành đào tạo, các cơ sở đang từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tiến bộ, đáp ứng và phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và trên thế giới. Mỗi năm, các trường đào tạo VHNT đã cung cấp cho ngành Văn hóa cả nước hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên, người hoạt động văn hóa cho các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương, trong đó có nhiều nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng, có ảnh hưởng trong cộng đồng.

thua-thien-hue.jpg
Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Mãi phát biểu. Ảnh: T.Du

Tuy nhiên, hoạt động đào tạo VHNT cũng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là ở các địa phương. Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Mãi chia sẻ, với thế mạnh đào tạo các loại hình nghệ thuật truyền thống như ca kịch Huế, nhạc công truyền thống Huế, biểu diễn múa dân gian, biểu diễn tuồng…, nhà trường đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc và đóng góp nhiều cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật địa phương. Song hiện nay, công tác tuyển sinh của nhà trường rất khó khăn vì trên địa bàn có nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật bậc cao, ít bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật truyền thống vốn yêu cầu rất khắt khe về năng khiếu và chuyên môn. Nhà trường cũng đang đối mặt với nguy cơ bị sáp nhập với các cơ sở đào tạo nghề khác…

hai-phong.jpg
Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT và Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thái Sơn chia sẻ. Ảnh: T.Du

Cùng chung vấn đề, Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT và Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thái Sơn cho biết, trước nguy cơ sáp nhập cơ học với các cơ sở đào tạo nghề khác trên địa bàn, nhà trường phải nỗ lực nhiều trong công tác tuyển sinh, nâng cao trình độ giáo viên, cơ sở vật chất và môi trường học tập hiện đại. Nhà trường cũng đang phấn đấu xây dựng thành trường cao đẳng nhưng còn nhiều vướng mắc trong các tiêu chí, nhất là về diện tích, cơ sở hạ tầng và đội ngũ giảng viên…

hai-duong.jpg
Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT và Du lịch Hải Dương Nguyễn Thị Nga chia sẻ. Ảnh: T.Du

Chủ động tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong đào tạo nghệ thuật hiện nay, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT và Du lịch Hải Dương Nguyễn Thị Nga cho hay, để giải quyết vấn đề tuyển sinh, nhà trường tổ chức đến tận các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn để giới thiệu, quảng bá về trường và tìm kiếm các học sinh có năng khiếu. Nhiều năm qua, trường kết hợp tuyển sinh trên nền tảng mạng xã hội, mở hệ năng khiếu ngắn hạn để tạo nguồn đào tạo hệ trung cấp trong nhà trường. Song, như các cơ sở đào tạo ở địa phương khác, nhà trường thiếu giáo viên giỏi, thiếu giáo trình, trang thiết bị hiện đại, cập nhật. “Phải có thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Chúng tôi mong mỏi có cơ chế, chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường trung ương về cơ sở đào tạo ở địa phương giảng dạy”, bà Nguyễn Thị Nga bày tỏ.

Trước những khó khăn, thách thức chung trong việc đào tạo VHNT hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Ân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung cấp VHNT Đồng Nai chia sẻ, để tránh nguy cơ sáp nhập, nhà trường đã chủ động giới thiệu, quảng bá hoạt động đào tạo trên nhiều phương tiện; khẳng định sự cần thiết duy trì và phát triển nhà trường trong việc phát triển văn hóa, con người địa phương. Bên cạnh đó, trường chủ trì xây dựng đề án phát triển văn hóa, nghệ thuật của tỉnh thời kỳ mới, đóng góp vào việc phát triển công nghiệp văn hóa cũng như phát triển địa phương…

Xây dựng nhân lực cho công nghiệp văn hóa

tp-ho-chi-minh.jpg
Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng VHNT thành phố Hồ Chí Minh Hồ Ngọc Minh nêu ý kiến. Ảnh: T.Du

Không chỉ đáp ứng nhu cầu thông thường, công tác đào tạo VHNT hiện nay tại hầu hết các địa phương cần hướng tới đóng góp cho phát triển công nghiệp văn hóa. Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng VHNT thành phố Hồ Chí Minh Hồ Ngọc Minh cho biết, hiện nay, nhà trường tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Trường chú trọng kết hợp giữa đào tạo văn hóa truyền thống và hiện đại; đầu tư trang thiết bị hiện đại trong giảng dạy; thu hút đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và đặc biệt khuyến khích sáng tạo và thực hành, kết nối với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài nước để sinh viên, giảng viên tham gia biểu diễn...

do-dinh-hong.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu. Ảnh: T.Du

Cùng hướng tới xây dựng nhân lực cho công nghiệp văn hóa, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội xác định sứ mệnh và tầm nhìn trong công tác đào tạo. Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Tuyết Anh, bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nhà trường đã chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo, đồng thời thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, việc tham gia các hoạt động, chương trình văn hóa, sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật lớn của Hà Nội và đất nước cũng giúp nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên và giảng viên nhà trường…

Tham gia tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, thành phố đang rất quan tâm và đẩy mạnh phát triển VHNT nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống và đóng góp phát triển công nghiệp văn hóa. Ông Đỗ Đình Hồng đề nghị các trường đào tạo VHNT của Hà Nội và các địa phương cần chủ động xây dựng các đề án thực hành nghệ thuật, liên kết đào tạo, hoạt động sáng tạo để các cấp hỗ trợ, chung tay thực hiện…

viet-huong.jpg
Các đại biểu đóng góp ý kiến về vấn đề đào tạo VHNT hiện nay. Ảnh: T.Du

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghệ nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định, đào tạo VHNT là ngành đào tạo đặc thù và rất quan trọng trong thời kỳ hiện nay. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các trường đào tạo cần chủ động hơn, bám sát mục tiêu phát triển văn hóa, nghệ thuật của địa phương, chú trọng chất lượng đào tạo. Đặc biệt, các trường cần có sự phân tầng trong hoạt động đào tạo. Tại các thành phố lớn nên hướng tới đào tạo đỉnh cao, các địa phương tập trung đào tạo nghệ thuật phong trào, phát hiện, bồi dưỡng tài năng…

Sự chủ động, sáng tạo và tinh thần chia sẻ, hợp tác giữa các trường đào tạo VHNT trên cả nước chắc chắn tạo nên một đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa chất lượng, đóng góp phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay: Nỗ lực đóng góp phát triển công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.