(HNMO) - Ngày 2-12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 5354/UBND-NC chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện cuộc vận động "Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực" với 5 “không” gồm: Không cửa quyền hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối và không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
UBND thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động trong cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực thi công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân, có trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức công vụ, lối sống lành mạnh.
Cuộc vận động cũng nhằm tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện, hành vi vi phạm đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử trong thực hiện công vụ; các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân; phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Mỗi cá nhân có bản cam kết duy trì thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp với công việc được giao, không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tiêu cực.
Lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm soát, phát hiện những biểu hiện nhằm loại bỏ tư tưởng “cục bộ”, “lợi ích nhóm” trong việc xây dựng các văn bản pháp luật; phải đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên; kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành về chế độ công vụ, công chức để tham gia sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các các quy định nhằm quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công khai hóa, chuẩn hóa các thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị, thẩm quyền trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức để người dân, doanh nghiệp biết, giám sát, qua đó nâng cao niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp vào Đảng và Nhà nước.
Các cơ quan, đơn vị cũng được yêu cầu tạo điều kiện bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để công đoàn cùng cấp làm tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả cuộc vận động theo quy định. Gắn việc thực hiện cuộc vận động với các cuộc vận động, phong trào khác có liên quan, công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan thành phố, các văn bản pháp luật mới; phối hợp với tổ chức công đoàn cùng cấp đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động; đề xuất tôn vinh, khen thưởng kịp thời những cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.