Triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy về công tác cán bộ, thành phố Hà Nội đã có những bước đi bài bản trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ.
Song hành với việc bổ sung cán bộ có năng lực, triển vọng, giao đảm nhận “việc nóng”, “việc khó” tại địa phương, việc điều chuyển vị trí công tác đã tạo chuyển biến căn bản, giúp cán bộ trẻ có cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy thêm những kinh nghiệm hay, bài học quý trong vai trò người đứng đầu địa phương, đơn vị.
Luân chuyển “trái tay”, thu “trái ngọt”
Là một trong những Bí thư Đảng ủy phường có tuổi đời trẻ nhất (thời điểm được bổ nhiệm), Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ, quận Tây Hồ Bùi Thế Cường đã được luân chuyển từ vị trí Bí thư Quận đoàn Tây Hồ, chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ. Quản lý 11 tổ dân phố ngoài đê và 3 tổ dân phố trong đê, Bí thư Đảng ủy phường Bùi Thế Cường đã cùng với tập thể lãnh đạo phường tập trung triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và 31/31 tiêu chí, phấn đấu đưa phường Yên Phụ trở thành phường văn hóa trong năm 2023. Dù địa bàn quản lý phức tạp, song phường Yên Phụ đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đồng chí Bùi Thế Cường chia sẻ: “Cùng với việc nỗ lực học hỏi, rèn luyện, tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy và tập thể lãnh đạo phường Yên Phụ. Quan trọng hơn cả là nhân dân và các đồng chí bí thư chi bộ ở cơ sở luôn đồng hành, giúp đỡ”.
Là một trong những cán bộ khối chính quyền quận Tây Hồ được luân chuyển sang công tác Đảng, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã nhanh chóng thích nghi với công việc, đoàn kết cùng tập thể Thường trực Đảng ủy đưa phường Bưởi đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý, đồng chí Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã cùng tập thể lãnh đạo phường giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn tại như việc 5 hộ dân lấn chiếm đất công giáp đình Trích Sài, trả lại cảnh quan vốn có cho ngôi đình cổ.
Bí thư Đảng ủy phường Bưởi Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần để đảm nhận “việc khó”, song áp lực công việc hằng ngày, đặc biệt là việc giải quyết đơn, thư khiếu nại trong nội bộ nhân dân đã vượt xa hình dung ban đầu của mình. “Gần 2 năm là Bí thư Đảng ủy ở cơ sở, cái được lớn nhất của tôi chính là kinh nghiệm giải quyết vướng mắc, là sự cọ xát thực tế mà nếu không về cơ sở sẽ không bao giờ tôi có được”, đồng chí Nguyễn Thị Ánh Ngọc nói.
Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Công Minh Tuấn cũng là một trong những cán bộ trẻ của quận Tây Hồ phát huy được năng lực, sở trường sau khi được luân chuyển từ vị trí Đội phó Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận về địa phương. Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo phường Nhật Tân giải quyết hiệu quả những “việc nóng, việc khó”. Điển hình là việc tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chấp hành di dời các phương tiện tàu thuyền cũ nát neo đậu tại khu vực Đầm Bảy, phường Nhật Tân khỏi hồ Tây.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, tính riêng năm 2022, Tây Hồ đã rà soát, bổ sung 835 trường hợp quy hoạch các chức danh cán bộ; quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác đối với 122 trường hợp cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý. Trong đó, có cán bộ đang làm công tác chính quyền chuyển sang công tác Đảng; từ công tác chính quyền sang đoàn thể hoặc từ đoàn thể sang chính quyền; từ quận xuống phường; chuyển đổi công tác giữa các phòng, ban… Sau luân chuyển, điều động, đa số phát huy tốt năng lực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới
Cùng với sự vận dụng sáng tạo của các địa phương trong việc đưa Nghị quyết số 04-NQ/TU vào cuộc sống, việc luân chuyển, điều động để cán bộ, đặc biệt là cán bộ diện quy hoạch được cọ xát kinh nghiệm thực tế trên nhiều lĩnh vực, từ đó phát huy năng lực, sở trường cũng đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đặc biệt coi trọng.
Nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy đã có những bước đi bài bản, linh hoạt trong công tác luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cán bộ.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản đã được tín nhiệm, bầu vào Ban Thường vụ Thành ủy. Sau đó, đồng chí được phân công giữ chức Trưởng ban Dân vận Thành ủy. Từ cương vị Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách về kinh tế chuyển sang phụ trách công tác dân vận của Đảng bộ thành phố có thể coi là “trái tay”. Song chỉ sau một thời gian ngắn, trên cương vị Trưởng ban Dân vận Thành ủy, đồng chí Nguyễn Doãn Toản đã cùng tập thể lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội triển khai có hiệu quả công tác dân vận, đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Tháng 11-2022, đồng chí Nguyễn Doãn Toản tiếp tục được Ban Thường vụ Thành ủy điều động, phân công giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy. Trên cương vị công tác mới, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể nhân dân, tạo khí thế phấn khởi, thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đáng chú ý, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo trong triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, góp phần vào việc hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ dự án theo đúng tiến độ được Trung ương giao.
Thực hiện quyết định điều động của Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường đã nhận nhiệm vụ mới - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội. Đảm nhận cương vị công tác mới, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Sở quyết liệt chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hướng dẫn các đơn vị chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ những dự án đầu tư công, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; chỉ đạo thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn thành phố…
Là cán bộ trẻ được Ban Thường vụ Thành ủy điều động từ vị trí Phó Giám đốc Sở Tài chính về đảm nhận cương vị Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, đồng chí Nguyễn Tiến Thiết đã cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt giải quyết nhiều vấn đề nóng trong lĩnh vực quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn vi phạm trong lĩnh vực đê điều…
Chia sẻ về công tác cán bộ của thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai “công việc gốc” của Đảng theo đúng các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và quy định của pháp luật về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Căn cứ vào các quy định của Trung ương và Quy định số 08-QĐ/TU ngày 14-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, tăng cường cán bộ cho những địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn. Mục tiêu của thành phố là vừa giữ được sự ổn định, vừa bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, hướng tới mục tiêu không ngừng đổi mới công tác cán bộ; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng bồi dưỡng toàn diện gắn với sử dụng hiệu quả cán bộ trẻ có triển vọng, trong quy hoạch, được rèn luyện thực tiễn.
Cùng với công tác đào tạo, luân chuyển để cán bộ được cọ xát với thực tiễn, Thành ủy Hà Nội thực hiện chuẩn hóa quy trình làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.