Đất nước đang ở thời điểm có tính lịch sử với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Đây là quyết sách mang tầm nhìn chiến lược được Đảng khởi xướng nhằm đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại của đất nước, vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước lại được đặt ra với quyết tâm chính trị và quy mô cải cách sâu rộng như hiện nay. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này là sự thay đổi có tính hệ thống, toàn diện với mục tiêu cao nhất là làm cho đất nước mạnh lên, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Chủ trương tinh gọn bộ máy đã được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội XII và được đẩy mạnh thực hiện từ sau Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) với Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị” (gọi tắt là Nghị quyết 18). Sau gần 8 năm triển khai, Nghị quyết 18 đã tạo ra những bước chuyển tích cực, song kết quả chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn.
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo với một khí thế cách mạng. Chỉ trong vòng vài tháng, nhưng sự chuyển động và kết quả tinh gọn bộ máy đạt được rất to lớn, có tính đột phá. Với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, giai đoạn 1 của cuộc cách mạng đã diễn ra thành công.
Trong giai đoạn này, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại theo hướng giảm đầu mối, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cả nước đã ghi nhận số lượng đầu mối giảm mạnh chưa từng có, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ số và tinh gọn nhân sự trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan trung ương đã nêu gương trong việc tiên phong thực hiện việc sáp nhập, tinh gọn các đơn vị trực thuộc.
Ngay sau khi các cơ quan mới được thành lập, hệ thống hành chính đã đi vào vận hành trơn tru, không để xảy ra gián đoạn trong công tác quản lý nhà nước, bảo đảm phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Nhiều địa phương ghi nhận tiến độ giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện rõ rệt, tinh thần làm việc của cán bộ được nâng cao, tránh được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Tại Hà Nội, thành phố có sáng kiến thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, đến nay đã thành lập chi nhánh ở các địa phương. Với phương châm hoạt động "hành chính thông minh - tận tâm phục vụ" và hướng tới "phi địa giới hành chính - phi trung gian - phi vật chất", Trung tâm đã tạo dấu ấn mới nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính mới.
Mặc dù phải triển khai nhiệm vụ cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đưa bộ máy mới vào vận hành, nhưng các nhiệm vụ chính trị ở cả trung ương và địa phương đều được hoàn thành tốt. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I-2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Riêng với Hà Nội, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I cũng cao nhất trong 5 năm, thu ngân sách đã đạt gần 50% so với dự toán pháp lệnh năm và tăng tới gần 70% so với cùng kỳ năm 2024.
Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ là một chủ trương đúng đắn mà còn có tính khả thi cao và đang mang lại hiệu ứng tích cực.
Để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đạt được mục tiêu toàn diện và lâu dài, Trung ương Đảng và Quốc hội đang chuẩn bị triển khai một loạt nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Đây là những bước đi có tính quyết định nhằm hoàn thiện thể chế, pháp lý cho sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Trước tiên, tại Hội nghị lần thứ mười một, Ban Chấp hành Trung ương bàn và thông qua các chủ trương liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Đây có thể coi là giai đoạn 2 của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trong đó trọng tâm là tổ chức chính quyền 2 cấp ở địa phương, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã với phương án dự kiến: Đối với cấp tỉnh, sắp xếp từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp xã sắp xếp giảm khoảng 50% số xã, phường, thị trấn hiện nay. Cuộc sắp xếp sẽ diễn ra với quy mô lớn chưa từng có, mang theo khát vọng phát triển đất nước. Việc sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp trung gian không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí ngân sách, mà còn tạo ra các đơn vị hành chính hợp lý hơn về quy mô, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước hiện đại.
Tiếp sau Hội nghị Trung ương, dự kiến ngày 5-5, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ chín nhằm thảo luận và thông qua việc sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản pháp lý điều chỉnh tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp ở địa phương... Ngoài ra, công tác chuẩn bị nhân sự, điều chỉnh ngân sách, cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm cho việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cũng sẽ được gấp rút triển khai...
Đây là những bước đi then chốt nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất cho việc hiện thực hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy trên phạm vi toàn quốc; bảo đảm đồng bộ và đúng nhịp để cả hệ thống chính trị bắt đầu với bộ máy mới trong một nhiệm kỳ mới mở đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sứ mệnh vì tương lai đất nước
Cùng với những quyết sách có ý nghĩa nền tảng của Trung ương Đảng, Quốc hội, giai đoạn tiếp theo đi vào thực hiện cụ thể ở các địa phương mang ý nghĩa quyết định đối với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Để thành công, toàn bộ hệ thống chính trị cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đồng thuận trong hành động và quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn, tránh hình thức, chiếu lệ.
Một yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm tiến độ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, không để kéo dài gây xáo trộn tổ chức và tâm lý cán bộ, người dân. Các địa phương cần chủ động xây dựng phương án sắp xếp cụ thể, lấy ý kiến rộng rãi, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận xã hội.
Cán bộ, công chức, viên chức trong diện sắp xếp, sáp nhập cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành sự phân công, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ mới. Các cơ quan cần có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những trường hợp dôi dư, bảo đảm quyền lợi chính đáng, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới.
Quan trọng hơn, sau sáp nhập, các cơ quan, đơn vị mới phải nhanh chóng ổn định tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng, duy trì hoạt động liên tục, hiệu quả để không làm gián đoạn công việc phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Việc vận hành thông suốt chính là thước đo thành công ban đầu của tiến trình đổi mới mang tính đột phá này. Việc tinh gọn bộ máy phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực phục vụ và quản lý. Đây không chỉ là cải cách hình thức, mà là cải cách về chất, từ đó tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tinh thần của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không chỉ là tinh giản mà là hướng tới một nền quản trị quốc gia thông minh, hiện đại, hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị phải coi đây là trách nhiệm chính trị, là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài để góp phần đưa đất nước tiến lên.
Có thể nói, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang đặt đất nước ta trước một thời điểm lịch sử quan trọng. Những kết quả bước đầu cho thấy quyết sách của Đảng là đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Nhưng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và sự ủng hộ của nhân dân.
Thực hiện thành công cuộc cách mạng sẽ là một bước đột phá lớn trong công tác xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hướng tới xây dựng một nền hành chính tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả - đúng như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và nhân dân mong đợi.
Thành công của cuộc cách mạng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, khi đất nước chuyển mình, phát huy nội lực và vững vàng chinh phục mục tiêu phát triển hùng cường, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.