Trong bối cảnh thế giới biến động sâu sắc và khó lường, đòn thuế quan mới nhất từ Hoa Kỳ là một phép thử đối với bản lĩnh và khả năng ứng phó của Việt Nam.
Không chỉ vậy, đây còn là minh chứng sống động cho tính đúng đắn và cấp thiết của chủ trương đổi mới mạnh mẽ, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường mà Đảng ta khởi xướng và kiên trì thực hiện.
Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh địa chính trị gay gắt và những bất ổn, khó đoán định từ các cường quốc. Các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn được xây dựng dựa trên nguyên tắc tối ưu hóa chi phí và hiệu quả đang phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy. Sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất hoặc một vài đối tác thương mại chủ chốt khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước những thay đổi chính sách đột ngột từ bên ngoài.
Đòn thuế quan mới của Hoa Kỳ, dù có thể mang tính chiến thuật trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó tạo ra những rào cản thương mại, gây xáo trộn dòng chảy hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Sự kiện này đang khiến cả thế giới "đứng ngồi không yên", đồng thời, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự mong manh và thách thức ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và sự phát triển của mỗi quốc gia nói riêng.
Các chuyên gia và lãnh đạo thế giới khẳng định, đây là thời điểm mang tính bước ngoặt lớn trong trật tự toàn cầu, có thể là dấu chấm hết đối với kỷ nguyên toàn cầu hóa với các quy tắc và thương mại tự do, đưa thế giới bước vào giai đoạn mà chủ nghĩa bảo hộ có thể “tùy tiện hơn và nguy hiểm hơn”.
Trong bối cảnh đó, việc kiên định con đường tự chủ, tự lực, tự cường không chỉ là một khẩu hiệu, mà đã trở thành một yêu cầu sống còn, một định hướng chiến lược mang tính quyết định cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Điều đáng mừng là Việt Nam không hề nao núng trước những tình huống như hiện nay. Ý chí kiên cường, gan dạ và thắng lợi từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại cùng với sự kiên trì, bền bỉ, sáng tạo trong gần 40 năm đổi mới đã giúp nước ta trui rèn bản lĩnh và từng bước củng cố một nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng ổn định, vững chắc.
Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng liên tục từ khi thực hiện Cương lĩnh 1991 đến nay và thường xuyên ở trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Từ nước thu nhập thấp, Việt Nam ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” chính là nhận định đanh thép cho thực tiễn hiện nay. Nếu không có tiềm lực, làm sao Việt Nam có thể vượt qua đại dịch Covid-19 mà vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP dương và ngay lập tức phục hồi mạnh mẽ sau khi đẩy lùi đại dịch. Nếu không có tiềm lực, sao chúng ta vẫn có thể tiến về phía trước khi xung đột tại các khu vực đẩy giá dầu lên cao, lạm phát cao, kinh tế toàn cầu suy giảm, rồi thiên tai, bão lũ hoành hành...
Và ngay cả trong sự kiện “nóng bỏng” hiện nay, trước mức thuế quan lên tới 46%, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thể hiện sự đồng thuận rất cao khi nhìn nhận, trong khi một số nước trên thế giới và ngay chính Hoa Kỳ dường như hoảng loạn, hoang mang tột độ, phản ứng Việt Nam nói chung vẫn cho thấy một sự ổn định, tự tin và lạc quan đáng kể. Đó là bởi chúng ta đã gia tăng được sức bền và năng lực chống chịu để sẵn sàng ứng phó với những tình huống phát sinh kể cả đột xuất, bất ngờ.
Chúng ta có thể phải chậm lại, nhưng rồi sẽ tiếp tục mạnh mẽ tiến lên phía trước. Đó là quy luật và sức mạnh nội sinh đã làm nên giá trị và “thương hiệu” Việt Nam.
Tự tin đương đầu với thử thách, nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai thế giới không ngừng biến động với những thử thách có thể còn gay gắt và khốc liệt hơn. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã khởi xướng chủ trương, đường lối đổi mới vô cùng mạnh mẽ để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là điều cho thấy sự sáng suốt của Đảng, chứng minh vai trò, vị trí lãnh đạo không thể thay thế đối với đất nước; đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của người dân.
“Nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đã được GS.TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam làm rõ tại buổi trao đổi tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày 31-10-2024.
Khi đó, Tổng Bí thư đã nhận định và dự báo: “Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, trong đó, mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới”. “Cơn bão” thuế quan hiện nay cũng không nằm ngoài những dự báo chính xác và toàn diện nêu trên.
Những nhận định và dự báo riêng về kinh tế còn rõ và sát với tình hình hiện nay hơn. “Khi thời kỳ "dân số vàng" kết thúc (khoảng năm 2027-2037), giá nhân công tăng, lợi thế cạnh tranh không còn, FDI dịch chuyển sang nước khác hoặc sụt giảm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam” - Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ trong trao đổi ngày 31-10-2024.
Tất cả đã cho thấy tư duy, tầm nhìn chiến lược và hoàn toàn chủ động của đồng chí lãnh đạo đứng đầu Đảng ta, càng đem lại sự tin tưởng mạnh mẽ trong Đảng, trong dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong bối cảnh mới.
Không những nhận định đúng tình hình, mà các giải pháp phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới cũng cho thấy cái tâm, cái tầm lãnh đạo của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Trên cơ sở định vị mục tiêu, kết hợp nhuần nguyễn giữa lý luận và thực tiễn, 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được xác định cụ thể. Đó là: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí; công tác cán bộ; phát triển kinh tế. Đây đều là những “quả đấm thép” hoàn toàn đúng và trúng với đòi hỏi của thực tiễn đất nước, thực sự là “ý Đảng, lòng dân”.
Điều khiến chúng ta càng tin tưởng hơn là cùng với đề ra chủ trương kịp thời, Đảng cũng chỉ đạo thực hiện luôn, cho thấy một phong cách lãnh đạo mới mẻ, mạnh mẽ và quyết đoán đúng bản chất cách mạng của Đảng ta. Từ buổi trao đổi tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu trên đến nay là chưa đầy nửa năm, nhưng Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo triển khai thực hiện cụ thể hóa hàng loạt công việc quan trọng với khối lượng cực kỳ lớn; thể hiện đúng tinh thần cách mạng “vừa chạy vừa xếp hàng”, với một ý chí quyết tâm mạnh mẽ.
Ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump, bày tỏ thiện chí và sẵn sàng đàm phán. Cuộc điện đàm cho thấy tư duy nhanh nhạy và tinh thần hết sức chủ động, cởi mở của lãnh đạo Đảng, khẳng định một tâm thế mới trong đối ngoại và hội nhập của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa.
Chính phủ cũng ngay lập tức chỉ đạo liên lạc với phía Hoa Kỳ, trao đổi với các nước trong ASEAN, cử đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sang trực tiếp đàm phán với phía Hoa Kỳ. Ở trong nước, Chính phủ liên tục họp bàn với các bộ, ngành để triển khai các giải pháp ứng phó đồng bộ và toàn diện. Điều đáng nói là các giải pháp được thực hiện với một tâm thế không hề hoảng sợ, đầy tự tin.
Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ là một thách thức không nhỏ, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để Việt Nam nhìn nhận rõ hơn những điểm yếu và sự cần thiết phải đẩy nhanh quá trình đổi mới, củng cố nội lực và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Chính thực tiễn khó khăn, thử thách hiện nay càng thôi thúc chúng ta phải tiến về phía trước, quyết tâm thực hiện bằng được cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính để làm nhẹ đôi cánh cho đất nước bay lên.
Đây là lúc mỗi người Việt Nam cần thể hiện mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường hơn bao giờ hết. Việc cần làm là tìm hiểu thật kỹ về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, về cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính để củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, sẻ chia, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng, cống hiến vì lợi ích chung, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước thực hiện sứ mệnh phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Mỗi khi có khó khăn, dân tộc ta, đất nước ta lại càng có bản lĩnh, kinh nghiệm để trỗi dậy, ứng phó hiệu quả hơn với tình hình thực tiễn. Hiện nay, đất nước ta đã trưởng thành hơn, lớn mạnh, đủ bản lĩnh để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bất cứ sự kiện, biến động xảy ra trên thế giới và khu vực; “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên” và như câu ca của ông cha ta “Non cao cũng có đường trèo/Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”.
Đó chính là tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam!
Với sự tự chủ, tự lực, tự cường đã được hun đúc qua lịch sử dựng nước và giữ nước, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự đồng lòng của toàn dân, đất nước ta chắc chắn sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, thịnh vượng và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.