Nghị quyết và Cuộc sống

Cán bộ “7 dám” và việc thực hiện “công việc gốc” của Đảng

Hương Ly 20/10/2023 - 06:25

LTS: Từ bài học kinh nghiệm được nêu trong Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”, Đảng bộ thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng làm tốt “công việc gốc” của Đảng.

Cùng với thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài: Cán bộ “7 dám” và việc thực hiện “công việc gốc” của Đảng.

Bài 1: Vun trồng những “gốc rễ” vững mạnh

Nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cấp ngang tầm nhiệm vụ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, vun trồng những “gốc rễ” vững mạnh, Thành ủy Hà Nội chú trọng thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ; từ đó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Thủ đô trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

buoi-hoc-1.jpg
Một buổi học của lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn năm 2023 do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Ảnh: Quang Thái

Bí thư, chủ tịch cũng là… học viên

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi việc”, công tác cán bộ được xác định là vấn đề trọng yếu, khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh.

Tại thành phố Hà Nội, công tác cán bộ luôn được Thành ủy đặc biệt chú trọng. Ngày 31-5-2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ tối thiểu 15%; 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới.

Hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng này, đến nay, Thành ủy đã tổ chức bồi dưỡng cho 91 cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 ở trong nước và vừa qua tiếp tục giai đoạn 2 đã bồi dưỡng cho 40 đồng chí tại Trung Quốc. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 706 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; 197 cán bộ nguồn quy hoạch chức danh bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2030; bồi dưỡng cho hơn 1.000 bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn. Mới đây, Thành phố tiếp tục tổ chức 02 lớp bồi dưỡng cho 461 đồng chí cán bộ quy hoạch nguồn ủy viên ban thường vụ quận, huyện, thị ủy nhiệm kỳ 2025-2030.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Nhiều giải pháp căn cơ, đột phá nhằm nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ đã được thành phố Hà Nội thực hiện.

Trong đó, thành phố chú trọng đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông các khâu của công tác cán bộ, ưu tiên tập trung vào những khâu quan trọng, có tính đột phá, như: Đổi mới đánh giá cán bộ; thí điểm thi tuyển cán bộ; luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ; đặc biệt là đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và ngoài nước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp.

Là một trong những cán bộ cơ sở tham dự lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025 do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Bí thư Đảng ủy phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) Trịnh Ngọc Trâm chia sẻ, khi được tổ chức phân công giữ cương vị Bí thư Đảng ủy phường, cá nhân chị đã không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện để có thể đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ được giao. Trước đây, chưa có trường lớp nào đào tạo, huấn luyện bài bản về kỹ năng làm Bí thư Đảng ủy phường. Khóa đào tạo do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức đã trang bị và cập nhật cho chị và các học viên những kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý và kinh nghiệm thực tiễn. Qua đó, đã tiếp thêm động lực cho đội ngũ bí thư xã, phường, thị trấn phát huy những ưu điểm, khắc phục triệt để hạn chế của bản thân để đóng góp cho địa phương và thành phố.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến đánh giá, khóa bồi dưỡng với giảng viên là các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm đã bổ sung những kiến thức mới về lý luận và thực tiễn. Qua đó, giúp cán bộ các địa phương có thêm những kinh nghiệm hay, bài học quý để vận dụng, sáng tạo giải quyết việc “nóng”, việc khó tại địa phương.

be-giang.jpg
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn chức danh Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; trưởng các ban, Văn phòng Đảng ủy Khối; bí thư, phó bí thư, ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Linh Nguyễn

Ngoài các khóa bồi dưỡng trên, những cán bộ thuộc diện quy hoạch nguồn Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 được tham gia lớp bồi dưỡng do Thành ủy Hà Nội tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hoa Nam, Quảng Châu, Trung Quốc, vào trung tuần tháng 9-2023. Là học viên của khóa bồi dưỡng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Phùng Khải Lợi cho biết, các học viên được nghiên cứu, khảo sát các chuyên đề tại 7 địa điểm thực tế. Qua quá trình học tập, nghiên cứu, khảo sát các mô hình quản lý và những thành tựu của nước bạn, mỗi học viên đều đúc rút được những bài học kinh nghiệm thực tiễn. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội và hiện nay đang tiến hành công cuộc đổi mới. Hà Nội và Quảng Châu là hai địa phương có nhiều sự tương đồng về văn hóa, thương mại, du lịch. Việc tham gia khóa bồi dưỡng đã giúp mỗi học viên tìm tòi, học hỏi những mô hình mới, cách làm hay của nước bạn để tham khảo vận dụng.

Nhờ chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ nguồn do Thành ủy Hà Nội triển khai, hàng trăm cán bộ nguồn của Thủ đô đã được cập nhật những kiến thức mới từ lý luận đến thực tiễn để ứng dụng vào công việc chuyên môn. Đây là nền tảng quan trọng để mỗi cán bộ ngày càng hoàn thiện, có thể đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của Thủ đô trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có uy tín

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ, các nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng được nêu tại văn kiện Đại hội XIII đã đặt ra những yêu cầu cụ thể về xây dựng đội ngũ cán bộ. Tại báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, khi rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, bài học thứ ba đã được Đảng ta khẳng định: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng… Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”.

Đại hội XIII cũng xác định rõ mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.

Cụ thể hóa những mục tiêu này, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội nêu rõ 4 quan điểm chỉ đạo, 4 mục tiêu cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, Hà Nội tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đây là đội ngũ cán bộ có cơ cấu, số lượng hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ứng phó với tình huống khó khăn, phức tạp phát sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Thành ủy Hà Nội cũng coi trọng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và các quy chế, quy định của Thành ủy về công tác cán bộ; hoàn thiện đồng bộ, thống nhất các quy chế, quy định về công tác cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ.

Đặc biệt, Thành ủy đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ, nâng cao năng lực cơ quan và cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ; đồng thời tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô…

Chủ trương tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo của Thành ủy Hà Nội đã tạo nền tảng quan trọng hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở với phẩm chất “7 dám” (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung). Đây chính là việc làm thiết thực để xây dựng những “gốc rễ” vững mạnh của Đảng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ “7 dám” và việc thực hiện “công việc gốc” của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.