Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảm hứng sáng tác từ tình yêu Hà Nội

Nguyễn Thanh| 04/09/2020 06:38

(HNM) - Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội vừa chính thức khép lại, với 10 giải thưởng được trao cho các tác giả, trong số hơn 300 tác phẩm tham dự. Trong đó nổi bật là họa sĩ Nguyễn Duy Thành, với bút danh Hà Thành. Đây là tác giả trẻ tuổi nhất, cũng là người sở hữu nhiều giải thưởng nhất của cuộc thi. Theo chia sẻ của họa sĩ trong ngày nhận giải, cảm hứng sáng tác các tác phẩm xuất phát từ tình yêu sâu đậm mà anh dành cho Hà Nội.

Hoạ sĩ Nguyễn Duy Thành và tác phẩm đoạt giải Nhất tranh cổ động.

6 ngày, 8 bức tranh dự thi

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định, song họa sĩ Nguyễn Duy Thành (sinh năm 1985) có nhiều năm học tập và công tác tại Thủ đô Hà Nội. Tình yêu dành cho mảnh đất, con người nơi đây lớn lên trong anh từng ngày. Họa sĩ Nguyễn Duy Thành cho biết, ngay từ những ngày đầu học tập tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, anh đã rất say mê tìm hiểu văn hóa truyền thống của mảnh đất hơn nghìn năm tuổi, dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, di sản Thủ đô. Đến khi về làm việc tại Báo điện tử VTC news, thuộc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, bút danh Hà Thành được anh lựa chọn, như một cách thể hiện tình yêu dành cho Hà Nội.

Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là cơ hội để họa sĩ Nguyễn Duy Thành thể hiện tình cảm của mình. Chính vì vậy, khi nhận được thông tin phát động, anh đã hào hứng tìm kiếm ý tưởng và cách thức thể hiện. Trong đó, chất liệu văn hóa dân gian, những công trình kiến trúc đặc trưng hay hình ảnh biểu tượng cho bề dày lịch sử Thăng Long - Hà Nội đều được anh tư duy, trăn trở, làm sao để khai thác, thể hiện một cách súc tích, cô đọng, dễ hiểu nhất bằng ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của dòng tranh cổ động.

Họa sĩ Nguyễn Duy Thành kể, từ khi nhận được thông tin về cuộc thi, bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, anh đều dành cho việc tư duy sáng tác. Chẳng hạn như bức tranh “1010 năm Thăng Long - Hà Nội”, anh sử dụng hình ảnh đầu rồng thời Lý, hiện vật mang tính biểu tượng của triều đại đầu tiên trên đất Thăng Long; cánh chim bồ câu, biểu trưng cho danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” trên nền các di sản văn hóa tiêu biểu là Khuê Văn Các, Tháp rùa, Hoàng thành Thăng Long..., tạo nên chiều sâu bố cục. Hay như bức “Hội tụ - kết tinh - tỏa sáng” với trung tâm là tượng vua Lý Thái Tổ trên nền vẽ chìm hoa văn rồng thời Lý cùng các công trình kiến trúc hiện đại của Thủ đô, nhằm thể hiện sức vươn của thành phố trên nền tảng truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời.

“Chỉ trong 6 ngày, tôi hoàn thành 8 bức tranh và rất bất ngờ, trong số 5 tác phẩm được Ban Tổ chức lựa chọn để trưng bày tại sự kiện kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới, thì có 1 tác phẩm đoạt giải Nhất, 1 tác phẩm đoạt giải Nhì và 1 tác phẩm đoạt giải Ba”, họa sĩ Nguyễn Duy Thành chia sẻ. 

Khơi nguồn, phát huy vai trò của dòng tranh cổ động

Được phát động từ tháng 3-2020, Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội đã có hơn 100 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia. Điều này cho thấy sức lan tỏa của cuộc thi cũng như sự quan tâm của các họa sĩ trước sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô và đất nước là rất lớn.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, hầu hết tác phẩm tham gia được trình bày công phu, thể hiện tài năng, tình cảm, góc nhìn sáng tạo, tâm huyết của các họa sĩ với Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, có những tác giả mới, còn trẻ, như họa sĩ Nguyễn Duy Thành đã giành giải cao và nhiều giải. “Bằng tài năng và đam mê lao động nghệ thuật, tác giả đã khái quát được hình tượng nghệ thuật, sử dụng màu sắc, đường nét, nhịp điệu có tính tượng trưng cao, cách thể hiện mang hơi hướng thời đại, tạo ấn tượng nhanh chóng và mạnh mẽ cho công chúng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy lớp kế cận tài năng, đang tích cực đóng góp tiếng nói của thế hệ mình trước những vấn đề quan trọng của đất nước”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đánh giá.

Nói về giải thưởng của bản thân, họa sĩ Nguyễn Duy Thành chia sẻ: “Chưa tham gia nhiều cuộc thi sáng tác tranh cổ động, song đây là lĩnh vực mang đến cho bản thân nhiều đam mê, thử thách. Tôi mong muốn tác phẩm của mình tạo được ấn tượng, sức lan tỏa, qua đó thu hút sự quan tâm, yêu thích của người trẻ với dòng tranh đặc biệt này”.

Còn theo bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đơn vị tổ chức Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, tranh cổ động là một trong những loại hình của mỹ thuật ứng dụng, nhưng có tính khái quát cao, chuyển tải tới công chúng những thông điệp bằng một ngôn ngữ riêng, đặc biệt.

“Các cuộc thi sáng tác tranh cổ động sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa, nhằm tạo sân chơi cho các họa sĩ thể hiện tài năng, đam mê, trách nhiệm trước những sự kiện, vấn đề quan trọng của Thủ đô và đất nước, từ đó khơi nguồn, phát huy hơn nữa vai trò của dòng tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, bà Bùi Thị Thu Hiền khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảm hứng sáng tác từ tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.