(HNM) - Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 116 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập hoặc trở lại hoạt động, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là hơn 76 nghìn đơn vị, với số vốn đăng ký hơn 882 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp trở lại hoạt động là hơn 40 nghìn đơn vị, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 1.847,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 là 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có 50,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021; gần 24,1 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, 8,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Nếu so sánh, bình quân mỗi tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, thì cũng có 13,9 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Số doanh nghiệp thành lập mới hay trở lại hoạt động là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế hồi phục, song số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng phản ánh doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II-2022, do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 42,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý I-2022, 36,3% doanh nghiệp đánh giá ổn định và 21,6% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn. Dự kiến trong quý III-2022, có 49,2% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II-2022; 35,8% doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định và 15% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Điều đó có nghĩa, các cấp, ngành cần thực thi nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đó là các gói tài khóa giúp doanh nghiệp miễn, giảm thuế, phí, lãi suất tín dụng để tạo dòng vốn kinh doanh; nghiên cứu chính sách giảm tác động từ chi phí giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu leo thang, cũng như những tác động từ thị trường thế giới; là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 để mở cửa nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội và mở rộng thị trường… Với cộng đồng doanh nghiệp, một môi trường kinh doanh tốt, không có rào cản và ổn định chính là động lực để doanh nghiệp phát triển, số doanh nghiệp gia nhập thị trường ngày càng nhiều hơn và phải rời thị trường ngày càng ít đi.
Thực tế, vẫn còn những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành nhưng chậm triển khai, số doanh nghiệp được thụ hưởng không nhiều. Sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với “bão giá” xăng, dầu, nguyên, vật liệu làm tăng chi phí sản xuất… Vì thế, chính sách trợ giúp cần đi thẳng vào những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp đang cần. Việc hỗ trợ chỉ được coi là thành công khi doanh nghiệp thụ hưởng chính sách trực tiếp và cụ thể. Ngược lại, chính sách được xây dựng mà khó thực thi, không tác động tốt đến doanh nghiệp, còn có thể xói mòn niềm tin của doanh nghiệp.
Có thể nói, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời đã cổ vũ, động viên tinh thần doanh nghiệp, khẳng định sự đồng hành của Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, các cấp, ngành cần thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để thúc đẩy thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.