(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội có 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ). Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, việc di dời các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Sở Xây dựng đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế mới đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc này.
Ì ạch di dời
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ. Qua các đợt kiểm tra, Sở đã phân loại 6 công trình nguy hiểm cấp D, gồm: Đơn nguyên 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa); chung cư C1 Thành Công; đơn nguyên 1, 2 G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình); đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình); đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình); đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị, quận Ba Đình). Các nhà chung cư cũ này đều bị lún nứt, tách rời nhau với khoảng cách 0,8-1,2m. UBND thành phố đã giao UBND các quận Ba Đình, Đống Đa chủ trì xây dựng phương án di dời, bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư. UBND thành phố cũng bố trí đủ quỹ nhà tạm cư cho các hộ. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ tiền di chuyển (10 triệu đồng/2 lần đi và về); hỗ trợ ổn định cuộc sống trong 6 tháng...
Vậy nhưng đến nay, mới có chung cư C1 Thành Công hoàn tất xây dựng lại và đón các hộ quay về; 5 chung cư còn lại việc di dời người dân gặp khó khăn. Tại quận Ba Đình, trong số 4 công trình nguy hiểm còn lại có 155 trường hợp (154 hộ dân và 1 cơ quan) cần di dời khẩn cấp. Tháng 8-2019, quận di dời được 94 trường hợp; còn 61 hộ không đồng thuận. Đến 30-11-2020 (sau 1 năm, 3 tháng), quận chỉ di dời thêm được 8 hộ.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình Lê Trí Dũng cho biết: Đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ vẫn còn 18 hộ; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp còn 1 hộ; đơn nguyên 1, 2 G6A Thành Công còn 27 hộ; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh còn 7 hộ. “Quận vẫn đang tiếp tục vận động các hộ di dời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản”, ông Lê Trí Dũng nói
Tháo gỡ bằng cơ chế đặc thù
Về lý do người dân chưa đồng thuận di dời, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (phòng 317, C8 Giảng Võ) cho biết: “Chúng tôi mong muốn làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, thống nhất phương án bồi thường, tái định cư trước khi di dời và thời gian có thể nhận nhà mới”.
Cũng tại nhà C8 Giảng Võ, theo ông Đinh Duy Toàn (phòng 303, C8 Giảng Võ), Phó Tổ trưởng tổ dân phố số 5 phường Giảng Võ, cư dân cũng đã làm việc với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings. Trong đó, 95% các hộ đồng thuận lựa chọn nhà đầu tư này cải tạo, xây dựng lại nhà C8 Giảng Võ; 77% các hộ đồng ý với chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Người dân mong muốn chính quyền nhanh chóng cho nhà đầu tư vào thực hiện dự án. Có như vậy, người dân mới yên tâm bàn giao nhà, thực hiện di dời.
Còn tại chung cư G6A Thành Công, ông Nguyễn Văn Chi (P407) - Trưởng ban đại diện cư dân cho rằng, tình trạng lún nghiêng tại đây tồn tại ngay từ khi công trình được đưa vào sử dụng năm 1990. Do sàn nhà, tường gạch không có hiện tượng nứt vỡ, nên bà con cho rằng việc đánh giá chung cư thuộc cấp độ D là không chính xác... Hiện, UBND quận Ba Đình đã có báo cáo, đề nghị kiểm định lại nhà G6A Thành Công. Với nhà C8 Giảng Võ, theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình Lê Trí Dũng, UBND thành phố đã giao Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings lập quy hoạch tổng mặt bằng...
Thực tế trên cho thấy, “nút thắt” lớn khiến việc di dời các hộ ra khỏi chung cư cũ chưa nhận được sự đồng thuận cao vẫn là vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật trong thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành cho biết: Nghị định số 101/2015/NĐ-CP (ngày 20-10-2015) của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ phải được thực hiện theo quy mô toàn khu, không xây mới từng nhà. Do vậy việc di dời hộ dân, triển khai dự án đang gặp rất nhiều khó khăn...
Tháo gỡ “nút thắt” trên, tại “Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”, UBND thành phố đề xuất Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, thành phố đề xuất cho phép nghiên cứu, lập quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và triển khai theo dự án riêng đối với các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, nhà chung cư đã hết niên hạn sử dụng nằm trong các khu chung cư cũ.
Tại văn bản góp ý đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, trong trường hợp cần thiết, thành phố Hà Nội nên chọn 1-2 khu nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để đề xuất Thủ tướng cho thí điểm. Trong đó lưu ý, quy định cụ thể phương án bố trí tạm cư tại khu vực dự án hoặc khu vực lân cận, bảo đảm thuận tiện trong sinh hoạt cho người dân; thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại toàn khu theo hình thức "cuốn chiếu"...
Hiện, UBND thành phố đang giao Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện đề án, đề xuất triển khai trước các dự án không có vướng mắc lớn về quy hoạch; hoàn chỉnh xây dựng cơ chế chính sách khung về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.