Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cai nghiện ma túy theo hình thức xã hội hóa: Chủ động gỡ vướng

Minh Vũ| 31/10/2020 06:28

(HNM) - Cai nghiện ma túy theo hình thức xã hội hóa đã được triển khai ở nước ta nhiều năm qua, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội từng bước chủ động tháo gỡ những vướng mắc bằng cách đưa các dịch vụ hỗ trợ về cơ sở, nâng mức hỗ trợ cho người đi cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Ra mắt “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân).

Còn nhiều vướng mắc

Việc tổ chức cai nghiện ma túy theo hình thức xã hội hóa được coi là giải pháp quan trọng để giảm tác hại do ma túy gây ra; đồng thời góp phần giảm tải cho các cơ sở cai nghiện tập trung... Vì thế, mô hình cai nghiện ma túy ngoài công lập được khuyến khích, tạo điều kiện để đi vào hoạt động. Tại Hà Nội, địa chỉ điều trị cai nghiện ngoài công lập được nhiều người biết đến là Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng, số 710 đường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng). Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay, cơ sở đã tiến hành điều trị cai nghiện cho hơn 15.000 lượt người sử dụng, người nghiện ma túy. Sau điều trị, sức khỏe, tinh thần của nhiều học viên có sự chuyển biến tích cực. Từng điều trị tại đây, anh V.T.Đ. (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), cho biết: “Trong thời gian cai nghiện, hằng ngày, chúng tôi được khám sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ cắt cơn, giải độc; hỗ trợ phục hồi bằng cách tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, tập luyện phục hồi chức năng. Cuối đợt điều trị, học viên được hướng dẫn cách phòng, chống tái nghiện, trang bị kỹ năng hòa nhập cộng đồng”.

Dù mang lại nhiều lợi ích, song, trên thực tế, số lượng cơ sở tư nhân, doanh nghiệp tham gia vào công tác điều trị cai nghiện ma túy như địa chỉ nêu trên chưa nhiều. Đến thời điểm này, cả nước mới có 23 cơ sở được cấp phép hoạt động, trong đó 10 cơ sở đã đóng cửa, hiện chỉ còn 13 cơ sở hoạt động. Trung bình mỗi năm, các cơ sở cai nghiện ngoài công lập tiếp nhận, điều trị cho hơn 4.000 lượt học viên (bằng khoảng 8-10% tổng số người đi cai nghiện). Có nhiều nguyên nhân khiến các đơn vị, doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia vào công tác điều trị cai nghiện. Theo ông Phan Quang Thư, Trưởng phòng Chính sách cai nghiện ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu những quy định rõ ràng, cụ thể về cai nghiện ma túy theo hình thức xã hội hóa, khiến các ngành, địa phương lúng túng trong quá trình thực thi, còn doanh nghiệp không dễ tiếp cận với các chính sách ưu đãi.

Mô hình cai nghiện theo hình thức xã hội hóa là tổ chức cai nghiện dựa vào gia đình, cộng đồng cũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tám, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh (Hà Nội), việc giao cho UBND xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình này không khả thi. Bởi, để tiến hành điều trị, người nghiện ma túy cần được hỗ trợ đồng bộ về dịch vụ tâm lý, xã hội, y tế mang tính chuyên môn, kỹ thuật, trong khi UBND cấp xã, phường, thị trấn là cơ quan hành chính, không phải là đơn vị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, cũng không đủ khả năng đầu tư các dịch vụ hỗ trợ.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ

Nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác điều trị cai nghiện, qua đó góp phần giảm tác hại do ma túy gây ra, ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách theo quy định chung, từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã huy động các nguồn lực để triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” và “Mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người sử dụng ma túy” tại nhiều địa phương. Hiện nay, các mô hình này đã được thiết lập tại các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì… 

Đến các “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”, người sử dụng ma túy được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, trang bị kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, trang bị kỹ năng cần thiết nhằm giảm thiểu tác hại của ma túy. Ngoài ra, những người tìm đến dịch vụ này còn được hỗ trợ về pháp lý, nếu cai nghiện tốt, họ sẽ có cơ hội tìm được việc làm, từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Đến với “Mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người sử dụng ma túy”, người sử dụng ma túy vừa được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ cần thiết, vừa có cơ hội chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm, điều trị dự phòng HIV, đến các cơ sở điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone hoặc tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm…

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đang duy trì hoạt động của gần 40 Câu lạc bộ Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy (Câu lạc bộ B93). Để thu hút hội viên, các Câu lạc bộ B93 không ngừng nâng cao chất lượng, như tại Câu lạc bộ B93 phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), các tình nguyện viên trở thành những người bạn tin cậy của người sau cai nghiện ma túy. Tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ B93, anh N.V.V. tổ dân phố 20 (phường Ngọc Lâm) từng bước tìm lại chính mình. Từ một người suy nghĩ tiêu cực, để cuộc sống lệ thuộc vào ma túy, hiện nay, anh V. nỗ lực làm công việc bán nước ép trái cây tại gia đình, sống tích cực hơn.

Để gỡ vướng về chính sách, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND ngày 4-12-2019 quy định chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các chính sách hỗ trợ, chế độ đóng góp đối với người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, từ ngày 1-1-2020, những người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và ngoài công lập đều được hỗ trợ tiền ăn bằng 0,56 mức lương cơ sở/người/tháng trong thời gian điều trị cai nghiện (ở thời điểm hiện nay, mức hỗ trợ này tương ứng với hơn 800.000 đồng/người/tháng). Ngoài ra, học viên còn được hỗ trợ đồ dùng sinh hoạt cá nhân bằng 0,315 mức lương cơ sở/người trong thời gian 6 tháng (tương ứng với hơn 3 triệu đồng); tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần là 450.000 đồng/người trong thời gian 6 tháng (tương ứng với 2,7 triệu đồng)… 

Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, nhờ tích cực, chủ động gỡ vướng, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội đã tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 1.900 lượt người, cơ bản đạt kế hoạch cả năm. Ở cấp vĩ mô, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với nhiều đề xuất mới về hỗ trợ cai nghiện ma túy theo hình thức xã hội hóa nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Với nhiều giải pháp đã triển khai và đang nghiên cứu để triển khai, hy vọng việc tổ chức cai nghiện ma túy theo hình thức xã hội hóa sẽ đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cai nghiện ma túy theo hình thức xã hội hóa: Chủ động gỡ vướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.