(HNM) - Methadone được ví như chiếc phao cứu sinh cho những người nghiện, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường.
Kỳ thị và tự kỳ thị
Trên thực tế, cho tới thời điểm hiện nay, theo quan niệm chung của nhiều người thì nghiện ngập là một điều gì đó rất ghê gớm. Bởi thế, dù người nghiện có nỗ lực dùng Methadone để cai nghiện thì họ vẫn không tránh khỏi sự nhìn nhận nói trên. Sự kỳ thị đã khiến những người điều trị bằng Methadone bị ảnh hưởng về nhiều mặt. Họ không có cơ hội làm việc ở các công ty lớn vì rất ít công ty tuyển nhân viên từng là một người nghiện. Những người hiện đã có công việc thì đa phần là làm công việc kinh doanh của gia đình hoặc làm dịch vụ. Một số khác tự kinh doanh, thường khó thu hút được khách hàng vì tai tiếng của bản thân. Thêm vào đó, vì ám ảnh bởi quá khứ nên không ít người thờ ơ khi được giới thiệu việc làm.
Bệnh nhân đến điều trị cai nghiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An. Ảnh: Huyền Thương |
Anh N.V.Th, 29 tuổi, điều trị Methadone được một tháng cho biết: "Công ty biết mình nghiện thì không bao giờ khá lên được. Tốt nhất là đến nơi hoàn toàn mới, nơi không ai biết mình nghiện để làm việc". Với những người đã có việc làm, họ luôn lo sợ đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan biết quá khứ của mình vì điều đó gắn liền với khả năng mất việc cao và bị đồng nghiệp kỳ thị.
Ngoài những khó khăn trong tìm kiếm công việc, sự kỳ thị và những ám ảnh quá khứ về việc sử dụng ma túy còn khiến người điều trị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu, hôn nhân và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Những người chưa lập gia đình lo không tìm được người thấu hiểu, chấp nhận quá khứ và sẵn sàng kết hôn với họ. Những người đã có gia đình lại lo rằng mình sẽ không được con cái tôn trọng nếu chúng biết sự thật. Vì vậy, một số người giấu vợ, người yêu về quá khứ nghiện cũng như việc mình đang điều trị Methadone. Đ.Q.N, người đã tham gia điều trị Methadone trong vòng một tháng chia sẻ: "Mình không dám giữ thẻ Methadone trong người, mà phải đưa cho bạn giữ hộ. Sáng ra, khi đi uống thuốc, mình bảo vợ là phải đến công ty để trình diện vì bây giờ ăn lương thất nghiệp nên sáng nào cũng phải có mặt ở công ty. Vợ mình không hề biết chuyện mình nghiện ngập, uống Methadone như thế nào".
Cần liệu pháp tổng hợp
Những ảnh hưởng của sự kỳ thị và ám ảnh quá khứ đã tạo ra áp lực lớn lên tâm lý của những người điều trị Methadone. Điều đó khiến họ nảy sinh tâm lý phải chứng tỏ với những người xung quanh là mình không còn sử dụng ma túy nữa. Cũng vì áp lực của sự kỳ thị, bệnh nhân điều trị bằng Methadone luôn tìm các cách phân tích và lý giải khác nhau để giảm bớt sự kỳ thị của xã hội với mình. Họ cho rằng, sở dĩ trước kia họ đánh mất nhân cách của mình là do bị ma túy điều khiển, chi phối. "Càng cố lý giải những điều trong quá khứ thì họ càng bị ám ảnh nhiều hơn, càng khó vượt qua sự mặc cảm và tự kỳ thị" - bà Lê Thị Mai Phương nhận định. Trên thực tế, không ít người trở nên bất cần đời và quay lại với vòng xoáy nghiện ngập do không chịu nổi sự kỳ thị và nỗi ám ảnh về quá khứ.
Để người điều trị ổn định cuộc sống và không quay về con đường cũ, điều quan trọng là giúp họ có được việc làm. Hiện nay, song song với việc điều trị cho người sử dụng ma túy, chương trình Methadone đã xây dựng các chương trình đào tạo và gây dựng việc làm cho những người này. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lùng Bích Ngọc (Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng), những người thiết kế chương trình chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh xã hội liên quan đến sự kỳ thị và bởi vậy chương trình chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.
Hiện tại, cả nước có gần 20.000 bệnh nhân được điều trị bằng Methadone và phương pháp này đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho rất nhiều người. Để nâng cao hiệu quả điều trị, các nhà nghiên cứu khuyến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan cần xây dựng các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý và các chương trình phát triển kỹ năng sống nhằm giúp các đối tượng xây dựng bản lĩnh, sự tự tin, khả năng đối phó với nỗi ám ảnh và sự kỳ thị. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm sự kỳ thị với người điều trị Methadone. Mặt khác, khi các tổ chức xây dựng các chương trình đào tạo nghề và gây dựng việc làm cho người điều trị Methadone thì cần có cách tiếp cận phù hợp nhằm loại bỏ nỗi ám ảnh kỳ thị đối với họ. Có như vậy thì mới có thể giúp những bệnh nhân này tránh xa ma túy và tái hòa nhập tốt với cộng đồng.
Bà Lê Thị Mai Phương (Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng): Nghiên cứu của các nhà khoa học được tiến hành tại Hải Phòng cho thấy, người điều trị bằng Methadone rất dễ bị kỳ thị. Bởi lẽ quy trình điều trị yêu cầu người bệnh phải đến trung tâm y tế hằng ngày và uống thuốc trước sự chứng kiến của nhân viên trung tâm y tế nên rất khó giấu giếm. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải điều trị trong khoảng thời gian rất dài, nhiều tháng thậm chí nhiều năm nên việc người khác biết là đương nhiên. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.