(HNMO) - Ngày 12-9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi).
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều, tăng 34 điều so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn rằng dự thảo sửa đổi lần này có rất nhiều chính sách mới, nếu thực hiện chính sách này thì nguồn lực ngân sách có bảo đảm được không? Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến Điều 29 dự thảo luật có quy định: Mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập.
Nêu quan điểm không thể để nhà trường chọn sách giáo khoa vì có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần có sự thống nhất, tùy thuộc vào đặc điểm địa phương có thể loại bớt nội dung nhưng phải bảo đảm sự tổng thể.
“Cần nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong cấp học phổ thông, để làm sao các cháu học sinh được học mà chơi, chơi mà học, dễ nhớ, dễ thuộc, học gắn với thực hành” - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, đồng thời lưu ý, không thể có chuyện tỉnh nào cũng có riêng sách của tỉnh đó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tác động của các chính sách mới đối với ngân sách nhà nước, trong khi Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn xác định dành tối đa là 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục, nhưng lại mở ra nhiều chính sách mới có liên quan về ngân sách, điều này có bảo đảm tính khả thi hay không?
Tại phiên họp, báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm và nhiều khi có một sự kiện giáo dục thì cộng đồng rất quan tâm góp ý, đó là điều tốt.
Trước các tranh luận liên quan đến một số thí điểm trong giáo dục, điển hình là cách dạy và học tiếng Việt ở lớp 1 thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức, đây chỉ là phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là dạy phát âm cho trẻ mới bắt đầu đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt. Chính phủ chưa có chủ trương này ít nhất trong những năm tới đây".
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục nghiên cứu hoàn thiện dự án luật, bảo đảm vừa mang tính quy phạm, vừa mang tính khả thi khi đi vào cuộc sống.
* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Các đại biểu cho rằng, về cơ bản, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước về phát triển giáo dục đại học, bảo đảm được yêu cầu kế thừa và đổi mới để phát triển hệ thống giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo rà soát và làm rõ thêm một số khái niệm và cách sử dụng từ ngữ, rà soát kỹ nội dung và kỹ thuật văn bản sao cho rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp để rà soát, chuẩn hóa hơn nữa các thuật ngữ sử dụng trong dự thảo luật, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt; hoàn thiện các nội dung để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV.
* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: Báo cáo công tác năm 2018 và kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước; Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên hợp quốc về đóng góp nguồn lực tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.