(HNMO) - Triển khai chiến lược chung sống an toàn với dịch Covid-19, song song với việc tăng cường y tế cơ sở để điều trị F0 tại nhà, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh còn bố trí các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới để nhanh chóng điều chuyển bệnh nhân tiến triển lên tầng 2 và 3 của tháp điều trị, giảm thiểu ca tăng nặng và tử vong. Trong số này, Bệnh viện dã chiến số 16 là một điển hình.
Thiết lập mô hình 3 tầng trong 1 bệnh viện
Ngay sau khi tiếp nhận Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 (Bệnh viện dã chiến số 16, chuyên tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy cơ tử vong cao) từ đoàn công tác tăng viện của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bàn giao, các y, bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh) triển khai cùng lúc 2 công việc. Một là thiết lập mô hình bệnh viện 3 tầng để kịp thời tiếp nhận, điều trị kịp thời bệnh nhân Covid-19 mọi cấp độ bệnh ở thành phố. Hai là thành lập các đoàn công tác xuống các bệnh viện tuyến dưới hỗ trợ điều trị F0 ở cơ sở.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết, bệnh viện có quy mô 2.300 giường với 1.570 nhân viên y tế. Trong đó, tầng 1 và tầng 2 là các khoa bệnh nhẹ và trung bình, chủ yếu điều trị người mắc Covid-19 có bệnh nền, lớn tuổi còn tự chăm sóc được và có nhu cầu thở oxy tối thiểu qua canula. Tầng 3 là tầng chuyên hồi sức bệnh nặng và nguy kịch, tầng này bao gồm hai khoa ICU với 500 giường hồi sức tích cực. Các khoa ICU đều thực hiện được tất cả kỹ thuật hồi sức chuyên sâu từ thở HFNC, thở máy không xâm lấn đến thở máy xâm lấn, lọc máu, chạy CRRT, chạy ECMO.
“Bệnh viện luôn có sự chuyển đổi liên tục bệnh nhân giữa các tầng trong bệnh viện để tối ưu hoá nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng điều trị, phấn đấu theo hướng “không để người bệnh xuất viện ở tầng 3, và không để người bệnh chết ở tầng 2”. Thay vào đó, bệnh nhân ở tầng 3 khi ổn định sẽ được chuyển xuống tầng 2 (luôn sẵn sàng giường trống để nhận bệnh nhân nặng), bệnh nhân ở tầng 2 khi trở nặng thì được chuyển lên tầng 3. Kết quả là số bệnh nhân khỏi bệnh xuất viện tăng đều. Số ca nặng và ca tử vong giảm mạnh”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng thông tin.
Đơn cử, chỉ sau 3 ngày tiếp nhận cơ sở vật chất từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện dã chiến số 16 đã điều trị thành công và cho xuất viện 100 bệnh nhân Covid-19. Anh Nguyễn Văn L, 32 tuổi, bệnh nhân Covid-19 thứ 100, chia sẻ trong ngày xuất viện: “Tôi nhập viện khi bệnh tình trở nặng, hôn mê sâu. Được nhập viện, sau 2 ngày điều trị, tôi đã hồi phục, dần nhận biết được mọi thứ xung quanh. Với sự nhiệt tình của các y bác sĩ, tôi đã hồi phục nhanh, khỏi bệnh và được ra viện”.
Tăng cường hỗ trợ cơ sở
Với những kinh nghiệm quý báu có được trong năm 2021 về điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, các bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 16 còn chủ động tổ chức các đoàn công tác về các địa phương của thành phố Hồ Chí Minh, như các quận 7, 8 và huyện Hóc Môn để hỗ trợ tuyến dưới trong công tác thu dung, thống nhất chiến lược chăm sóc và quản lý F0 tại địa phương.
Các bệnh viện và cơ sở y tế trong cụm đã thống nhất một số điểm quan trọng: Khi có F0 tại nhà trở nặng thì bác sĩ của trạm y tế và trạm y tế lưu động báo về bệnh viện dã chiến của quận, huyện để thu dung, can thiệp ổn định, sau đó sẽ hội chẩn và chuyển tầng (nếu cần). Giữa các bệnh viện trong cụm có thể chuyển bệnh ngang tầng với nhau khi có nơi quá tải; chuyển bệnh hai chiều từ dưới lên trên và trên xuống dưới giữa các tầng.
Không chỉ hỗ trợ các bệnh viện trong cụm, Bệnh viện dã chiến số 16 còn tổ chức nhóm chuyên gia đi xuống tận nơi để hội chẩn và quyết định những trường hợp cần ưu tiên chuyển về khoa Hồi sức, hỗ trợ các bệnh viện ngoài cụm điều chuyển các bệnh nhân nặng.
“Mới đây, khi Bệnh viện quận 12 và Bệnh viện quận Tân Phú quá tải và tỷ lệ tử vong cao do bệnh nhân tự đến nhiều, tình trạng lúc nhập viện đã nặng, nhận được yêu cầu của lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện dã chiến số 16 đã xuống hội chẩn, chuyển ngay các bệnh nhân vừa và nặng về bệnh viện, từ đó giúp tăng khả năng cứu sống người bệnh, đồng thời làm giảm tải các bệnh nhân chuyển nặng tại các bệnh viện quận, huyện (tầng 2)”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng cho biết.
Chia sẻ thêm về cách làm này, bác sĩ Nhan Tô Tài, Giám đốc Bệnh viện quận 12 chia sẻ: “Cách làm này thật sự đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Nhiều trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch đã được điều trị tích cực và hồi phục một cách ngoạn mục".
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao mô hình chủ động hơn trong việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và thể hiện trách nhiệm của một bệnh viện “chị” hỗ trợ cho bệnh viện “em” như Bệnh viện dã chiến số 16 đã thực hiện trong thời gian qua và sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố trong thời gian tới.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.