(HNM) - Như đã thông tin, cả 3 nhà cung cấp dịch vụ di động chiếm thị phần lớn là VNPT VinaPhone, MobiFone và Viettel đã lần lượt được Bộ TT-TT cấp đầu số mới (tương ứng là các đầu số 088, 089, 086) và đến ngày 9-3 đều đã đưa ra thị trường. Sự kiện này đã tạo nên một
Sở dĩ ví việc cả 3 nhà mạng được cấp đầu số di động 10 số mới và cách thức họ đưa ra thị trường như một "cuộc chiến", không chỉ bởi thị trường di động vốn cạnh tranh quyết liệt, mà còn nằm ở sự bất ngờ. Thứ nhất, VNPT VinaPhone được cấp đầu số 088 đầu tiên và sau đó cho biết thời gian cung cấp ra thị trường ngày 7-3-2016 (dự kiến ban đầu vào cuối tháng 2-2016); cho đăng ký online vào ngày 28-2. Đầu tháng 2 MobiFone được cấp đầu số 089, cho đăng ký online ngày 6-3, cấp sim tại cửa hàng ngày 9-3. Đến cuối tháng 2-2016, Viettel được cấp đầu số 086 và ngay sau đó nhà mạng này cung cấp ra thị trường ngày 4-3 (qua online) và ngày 5-3 tại cửa hàng. Điều đó cho thấy các nhà mạng cạnh tranh quyết liệt từ việc được cấp đầu số đến lựa chọn thời điểm đưa ra thị trường.
VinaPhone đã mở thêm nhiều quầy hỗ trợ đăng ký đầu số 088 để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ảnh: Thanh Trực |
Trong số 3 DN triển khai đầu số mới thì VNPT VinaPhone có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc truyền thông cho đến thiết kế gói cước và ở góc độ nào đó đã đem lại hình ảnh mới về sự chủ động, sẵn sàng làm hài lòng khách hàng. Thứ nhất, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên cho phép đăng ký online để "giữ" số đẹp nhưng chỉ với 1.000 số, tạo "cơn sốt" với khách hàng, đặc biệt là những người có tâm lý thích "số đẹp". Không chỉ có vậy, VinaPhone còn ưu tiên cho khách đến đăng ký trực tiếp tại cửa hàng, do vậy không ít người dân đã xếp hàng từ lúc rất sớm. Tại cửa hàng 75 Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), có khách hàng đã chờ từ lúc 1h. Tương tự, tại cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh, không ít khách hàng cũng đến từ mờ sáng giữ chỗ để được sở hữu sim đẹp.
Những thông tin trên cho thấy, giữa các nhà mạng có sự chuẩn bị và cạnh tranh quyết liệt để giành khách hàng, nhất là khi thị trường đã bão hòa. Cũng qua sự kiện này, có không ít khách hàng đã may mắn ngẫu nhiên được sở hữu những sim đẹp với giá chỉ khoảng 150.000 đồng, trong khi nếu bỏ tiền mua ngoài thị trường có thể tới vài triệu đồng. Song, những trường hợp may mắn này không nhiều. Được biết, cả ba nhà mạng đều đưa ra bảng số để khách hàng chọn, trong đó những số đẹp sẽ kèm theo mức cam kết cước phát sinh hằng tháng ít nhất là 300.000 đồng/tháng hoặc có thể lên tới 2-3 triệu đồng/tháng.
Chị Hoàng Oanh (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cho biết đã chọn được thuê bao ưng ý có đuôi 0099, cam kết mức cước 500.000 đồng/tháng và sử dụng trong thời gian 18 tháng. "Tính ra chiếc sim của tôi có giá 9 triệu đồng, nhưng tôi lại không phải trả tiền ngay. Do nhu cầu công việc, tôi liên lạc nhiều nên mức giá cam kết hằng tháng là bình thường" - chị Oanh cho biết. Đó chỉ là ví dụ nhỏ, còn nếu muốn lựa chọn số đẹp hơn, khách hàng có thể chọn hình thức "mua đứt" - thường là qua đại lý với số tiền tới hàng trăm triệu đồng cho đến cả tỷ đồng… Trong khi đó, với những chiếc sim thường, khách hàng chỉ cần trả tiền sim trắng và phí hòa mạng (dao động 50.000-65.000 đồng).
Tất nhiên, chuyện sim, số đẹp là do quan niệm của khách hàng, nên mới có người sẵn sàng bỏ nhiều tiền để sở hữu số mình thích. Song, từ đây đặt ra vấn đề, Nhà nước cấp cho DN viễn thông nguồn tài nguyên kho số, họ có nghĩa vụ phải nộp phí sử dụng; nhưng đó chỉ là mức phí chung theo quy định. Ngược lại, khi DN cung cấp cho khách hàng thì họ phân loại và bán sim, số với các mức giá khác nhau. Như vậy, DN thu được không ít lợi nhuận từ việc định giá hàng chục triệu sim, số đẹp. Câu hỏi đặt ra, vậy cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT đã tính đến bài toán này chưa? Hoặc, vì quyền lợi khách hàng được sử dụng sim với giá bình đẳng, hoặc có phương án tính thuế, thu tiền từ các nhà mạng bán sim, số đẹp?.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.