(HNMO) - Sáng 12-1, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương tham dự. Thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng tham dự sự kiện.
Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn từ dịch Covid-19, song ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt nhiều kết quả tích cực, duy trì tăng trưởng. Doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 0,3% so với năm 2019; doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông đạt 120 tỷ USD, tăng trưởng 14,7% bình quân cả giai đoạn 2016-2020; tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt trên 35.000 tỷ đồng, tăng 30%. Lĩnh vực an toàn, an ninh mạng có tiến bộ vượt bậc khi Việt Nam xếp hạng thứ 50 trong tổng số 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 50 bậc so với năm 2017. Về ứng dụng công nghệ thông tin, kết quả xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ...
Việc triển khai quy hoạch, sắp xếp cơ quan báo chí trong năm 2020 đối với khối báo chí thuộc bộ, ngành và địa phương bảo đảm đúng phương án, lộ trình theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2020. Bộ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt đấu tranh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam và các doanh nghiệp này phải thiết lập cơ chế xử lý riêng dành để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã điểm lại những thành tựu nổi bật của đất nước trong năm qua, đặc biệt là kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế (2,9%) trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Thông tin và Truyền thông, sự đóng góp của lực lượng trực tiếp làm công nghệ thông tin - những người làm công việc lặng thầm, không được nhắc tên - nhưng đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm ra các ứng dụng, giải pháp giám sát, truy vết phòng, chống dịch Covid-19; làm chủ các sản phẩm giải pháp an toàn, an ninh mạng; sản xuất thiết bị mạng 5G....
Nói về quá trình chuyển đổi số, Phó Thủ tướng phân tích, lĩnh vực viễn thông trước tăng trưởng rất cao, nhưng năm 2020 chỉ tăng 0,3%, cho thấy nếu không đổi mới mạnh mẽ hơn thì không những không tận dụng được cơ hội, mà nhiều ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, chính những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ sẽ phải tiên phong tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ.
Đúc rút từ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong ngành Y tế thời gian qua, bên cạnh việc đánh giá cao một số địa phương đã có những bước tiến đầu tiên trong thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng lưu ý về cách triển khai chuyển đổi số nên theo 2 hướng là từ trên xuống và từ chỗ khó khăn nhất... Trong đó, việc chuyển đổi số dựa trên nền tảng chung sẽ tiết kiệm chi phí, đồng thời, giúp quá trình triển khai nhanh hơn vì một khi toàn dân cùng ứng dụng thì xã hội sẽ thay đổi hoàn toàn.
"Làm chuyển đổi số, chính phủ điện tử không khó. Chỉ cần quyết tâm, giúp minh bạch hơn, gần dân hơn, giúp chính quyền vừa quản lý tốt, vừa phục vụ nhân dân" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia các chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, dựa trên yêu cầu thực tiễn để có những nền tảng, sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước, mà còn vươn ra thế giới.
* Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương Cổng thông tin tiếp nhận, phản ánh và công bố tin giả và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108; công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho cơ quan báo chí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.