(HNM) - Chuyển đổi dây chuyền sản xuất, nắm bắt nhu cầu của thị trường về khẩu trang kháng khuẩn, thiết bị y tế, nhiều doanh nghiệp của Hà Nội đã duy trì công ăn việc làm, thậm chí phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là điểm sáng trong "bức tranh" kinh tế của thành phố trong quý I-2020, đồng thời là một bài học quý cho các lĩnh vực khác trong việc thực hiện mục tiêu "kép": Vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và vật tư y tế (ECOMEDI), vẫn tỏ ra tiếc rẻ. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều đối tác, bạn hàng khuyên nhập nguyên liệu tích trữ, nhưng ông nghĩ, dịch bệnh không quá nghiêm trọng, nên chỉ nhập lượng nguyên liệu đủ sản xuất sau thời gian nghỉ Tết. “Đầu tháng 2-2020, dịch bệnh bùng phát, nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt. Cũng may là nhờ sự san sẻ của các đơn vị bạn nên công ty tiếp tục duy trì hoạt động. Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế, găng tay được vận hành tối đa, mang lại nguồn lợi nhuận nhất định cho công ty trong bối cảnh hiện nay”, ông Hiếu chia sẻ.
Khác với ECOMEDI, khẩu trang không phải là sản phẩm truyền thống (vải dệt, sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản) của Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân. Theo Tổng Giám đốc Trần Việt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài bị ngưng trệ, trong khi nhu cầu về khẩu trang phòng dịch rất lớn, Công ty quyết định chuyển sang sản xuất mặt hàng này. Hiện năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của Công ty đã đạt 50 nghìn sản phẩm/ngày và có thể nâng lên 300 nghìn sản phẩm/ngày, bảo đảm đời sống, việc làm cho hơn 1.000 lao động.
Tương tự, may khẩu trang kháng khuẩn đã mang lại hiệu quả cho Tổng công ty May 10 - CTCP khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các đơn hàng may mặc xuất khẩu. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP, sản xuất khẩu trang giúp đơn vị tạo việc làm cho 12.000 công nhân lao động và bù đắp phần thiếu hụt đơn hàng từ các sản phẩm truyền thống. Vị "thuyền trưởng" của May 10 hồ hởi chia sẻ: "Chúng tôi đã nhìn thấy "ánh sáng" trong khó khăn, khi mạnh dạn chuyển sang may khẩu trang, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngày 7-4 vừa qua, chúng tôi đã rất vui và tự hào vì được đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội khen ngợi, biểu dương và đánh giá May 10 là tấm gương vượt khó trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19".
Trong khi đó, tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro), cùng với việc cung ứng hàng hóa bảo đảm bình ổn giá cho thị trường, các đơn vị may xuất khẩu của Hapro cũng chuyển sang sản xuất khẩu trang, với công suất 1 triệu sản phẩm/tháng.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có 48 đơn vị sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế phòng dịch; trong đó có 4 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, 29 đơn vị sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, 8 đơn vị sản xuất khẩu trang vải thông thường và 7 đơn vị sản xuất chế phẩm diệt khuẩn. Năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của 29 đơn vị trên địa bàn đạt 1.286.500 chiếc/ngày. Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế phòng dịch đã đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, một số đơn vị đã có sự tăng trưởng khá, đóng góp vào mức tăng 3,72% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý I-2020 của thành phố.
... mở hướng xuất khẩu
Theo ông Thân Đức Việt, hiện một đối tác lớn đang đặt mua của Tổng công ty May 10 - CTCP 400 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn. Thời gian dự kiến giao hàng từ tháng 7-2020, với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu theo kế hoạch của đơn vị năm 2020). Một khách hàng từ Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong vòng 6 tuần tới; một khách hàng từ Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang kháng khuẩn. Bên cạnh đó, có đối tác đề xuất May 10 cung cấp 2 triệu bộ đồ phòng, chống dịch. "Hiện, Tổng công ty đã quyết định sản xuất khẩu trang y tế và đã nhập thêm máy móc về lắp đặt", ông Thân Đức Việt cho biết.
Tương tự, ông Trần Việt cũng thông tin, Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân đã nghiên cứu và chuẩn bị ra mắt bộ quần áo phòng dịch bằng vải kháng khuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã kết nối với các doanh nghiệp, đưa khẩu trang vải kháng khuẩn vào tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Song, theo nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ phòng dịch bằng vải, hiện còn thiếu một số hướng dẫn về tiêu chuẩn nên việc sản xuất, xuất khẩu còn gặp lúng túng.
Từ góc độ thành phố Hà Nội, tại hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II-2020 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Công Thương làm tốt công tác kết nối cung cầu với các địa phương, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế tăng tốc sản xuất, trước mắt đáp ứng nhu cầu trong nước, sau đó có thể đề xuất với Chính phủ hướng đến xuất khẩu.
Được biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ngày 6-4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh việc hợp tác, hỗ trợ, xuất khẩu một số loại phương tiện, vật tư y tế, trong đó có các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cho các nước có nhu cầu, nhất là các nước châu Âu, Mỹ đồng thời đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa.
Sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cấp chính quyền, cộng với nỗ lực, nhạy bén của doanh nghiệp sẽ là động lực để lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế phòng dịch chớp thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu, tạo lợi nhuận; vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, vừa góp phần giúp kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.