(HNMO) – “Diva” Mỹ Linh đã đưa ra quan điểm thẳng thắn về các chương trình truyền hình thực tế hiện nay trên Đài truyền hình Việt Nam.
Ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ quan điểm, cần nhìn nhận truyền hình thực tế ở nhiều góc độ. Bên cạnh những hạn chế, truyền hình tực tế cũng mang nhiều hiệu quả nhất định |
Ngày 3-4, ca sĩ Mỹ Linh, Dương Hoàng Yến và nhà báo Mạnh Hà (nghệ danh là Khôi Minh) đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về những mặt tích cực và hạn chế của các chương trình truyền hình thực tế thông qua chương trình giao lưu trực tuyến “Truyền hình thực tế từ góc nhìn khán giả” do báo điện tử VnMedia tổ chức.
Vấn đề này cũng thu hút sự quan tâm của công chúng khi, đặc biệt khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tạm dừng cấp phép một số chương trình liên kết giữa VTV và các đơn vị sản xuât, với mục đích để VTV chấn chỉnh lại hoạt động phát sóng.
Trước câu hỏi về việc với sự mạnh tay của Bộ TT-TT, ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ quan điểm cá nhân: “Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này ở nhiều góc khác nhau mới có thể có được cái nhìn tổng quan. Nếu xét về mặt tác động xã hội thì các chương trình truyền hình thực tế không mang lại cái xấu bằng sự tràn lan thông tin nhảm nhỉ từ một số báo mạng. Mà trong thực tế ngay cả những tờ báo đó còn chưa quản lý được thì cấm các chương trình thực tế truyền tải được giấc mơ của các bạn trẻ "từ zero" trở thành "hero" thì tôi cho rằng điều này không hợp lý.
Ca sĩ Mỹ Linh, nhà báo Mạnh Hà, ca sĩ Dương Hoàng Yến có nhiều quan điểm về truyền hình thực tế hiện nay |
Mặt khác, xét về kinh doanh nếu như ta không sản xuất các chương trình nội địa thì nhân dân sẽ không xem các kênh VTV (vì quá nhàm chán) mà sẽ chuyển sang xem các kênh ngoại nhập (có dịch tiếng Việt đầy thu hút). Điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ những doanh thu quảng cáo đáng ra VTV thu được để nộp thuế cho nhà nước sẽ được chuyển sang cho các đối tác ngoại, vậy là về mặt kinh doanh mà nói ta thua ngay trên sân nhà.
Ở một khía cạnh khác các nhà sản xuất họ cũng chẳng cần VTV mà chọn phát sóng những chương trình mà họ đã sản xuất ở các đài địa phương thì cuối cùng mục đích cấm cũng không thực hiện được. Tôi nghĩ đây chỉ là nhưng ý kiến hoàn toàn mang ý kiến cá nhân ở góc nhìn của tôi còn các nhà quản lý họ sẽ có những lý luận phản biện khác.
Tôi nhận thấy việc có các chương trình thực tế như The Voice hay Vietnam Idol, So You think you can dance… mở ra cho nhưng người có khả năng ca hát hay nhảy múa có cơ hội được tiếp cận với giới chuyên môn, tiếp cận với khán giả đại chúng một cách nhanh nhất. Trong một số trường hợp đã khiến họ thay đổi cả cuộc đời. Tôi nghĩ đây là khía cạnh nhân văn của các chương trình kể trên.
Hơn nữa, không thể phủ nhận một số chương trình đã phát hiện để đưa đến thị trường âm nhạc những giọng ca hoặc những vũ công tài năng xuất hiện từ quần chúng. Mặc dù còn có nhiều ý kiến trái chiều, còn nhiều điều cần phải bàn và chấn chỉnh nhưng việc có mặt những chương trình thực tế đã góp phần làm thay đổi bộ mặt âm nhạc đại chúng là điều ai cũng có thể nhìn thấy”.
Là người từng tham gia nhiều chương trình truyền hình thực tế với vai trò giám khảo, ca sĩ Mỹ Linh nhận định, “Các chương trình truyền hình thực tế làm mưa làm gió trên truyền hình cho ta thấy một đời sống tinh thần, nói cụ thể là âm nhạc khá là nghèo nàn của nhân dân. Một số những chương trình sau khi được phát sóng dài hơi thì đã trở nên "đuối", nhạt nhòa, điều này thật khó tranh khỏi. Ngay cả những nước lớn như cả Mỹ, Anh thì một số fomat cũng không tránh khỏi việc bị nhàm chán sau nhiều mùa, ngay cả khi họ có đội ngũ sản xuất và trình độ cao hơn hẳn ta thì việc các chương trình của ta không được hiệu ứng như kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu".
Nhiều chương trình truyền hình thực tế mở ra sân chơi cho nhiều người thể hiện tài năng |
Cùng quan điểm với ca sĩ Mỹ Linh, nhà báo Mạnh Hà bày tỏ quan điểm về việc có nên cấm các chương trình truyền hình thực tế trên truyền hình hay không. Anh cho biết: “Theo tôi nghĩ quản lý bằng cách cấm không phải giải pháp tối ưu. Bản thân tôi không hy vọng truyền hình thực tế tìm kiếm được tài năng bởi truyền hình thực tế cơ bản là để giải trí. Việc cấm cũng có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu giải trí của khán giả”.
Tuy nhiên, nhà báo Mạnh Hà nhận định rằng, trong đời sống văn hóa hiện nay, để tránh xói mòn văn hóa thì các nhà sản xuất nên để ý và tìm những chương trình mang tính thuần Việt hơn. Nếu chỉ sử dụng những chương trình phiên bản nước ngoài thì giới trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai.
Các chương trình truyền hình thực tế trên truyền hình hiện nay đang gây ra không ít tranh cãi. Tác động từ những chương trình này đến thẩm mỹ, thị hiếu giới trẻ và thị trường giải trí Việt có cả tích cực lẫn tiêu cực. Làm thế nào để dung hòa được các chương trình giải trí trên truyền hình để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả, không làm mất cơ hội thể hiện tài năng của giới trẻ mà vẫn hạn chế được những tiêu cực quả không phải chuyện đơn giản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.