Nguy cơ nợ xấu luôn tiềm ẩn, song khuôn khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu vẫn chưa hoàn thiện trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội (ngày 21-6-2017) đã hết hiệu lực.
Nợ xấu tăng 34.000 tỷ đồng
Thống kê mới nhất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tổng nợ xấu khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó có 677.000 tỷ đồng là nợ ngoại bảng. Đây là khoản nợ mà các tổ chức tín dụng vẫn đang tích cực thu hồi.
Nợ xấu phát sinh có nghĩa ý thức thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người đi vay hạn chế, người vay cố tình trì hoãn trả nợ, không bàn giao tài sản, tạo ra tranh chấp giả để khởi kiện ra tòa, kéo theo việc các ngân hàng khó xử lý được tài sản bảo đảm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu từ tài sản bảo đảm đạt khoảng 46,6%, trong khi tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ cho ngân hàng đối với khoản nợ xấu chỉ đạt 36%.
Phần còn lại là nợ được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoặc thi hành án thông qua việc bán tài sản bảo đảm, với tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, nợ xấu tăng khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu được xử lý chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.
Đại diện một số ngân hàng đều cho rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội đã hết hiệu lực thi hành, trong khi nhiều quy định chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Những “khoảng trống” pháp lý gây trở ngại cho việc xử lý nợ xấu, gián đoạn dòng chảy tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, thực tế nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu do các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đồng nghĩa giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp. Dòng tiền không luân chuyển được ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời.
Về phía cơ quan quản lý, nhằm khắc phục bất cập về pháp lý trong xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42.
Việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền lợi hợp pháp khi xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Cần bổ sung chế tài xử lý nợ xấu
Để xử lý triệt để nợ xấu, Giám đốc Ban Pháp chế Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Nguyễn Thị Phương cho rằng, nên xem xét bổ sung một số trường hợp được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Chẳng hạn như, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc trong trường hợp các bên đã thực hiện mua bán nợ.
Tổ chức có chức năng mua bán, xử lý nợ theo quy định của pháp luật (không bao gồm tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ) được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ...
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, quyền thu giữ tài sản thế chấp cần được pháp luật bảo vệ, luật hóa rõ ràng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngân hàng, cổ đông, người gửi tiền - những người thực chất đang góp vốn cho nền kinh tế thông qua hệ thống tín dụng.
Những thủ tục như kê biên, thu giữ tài sản, quy trình xử lý rút gọn cần được quy định cụ thể, có giá trị pháp lý đủ mạnh để tránh tình trạng thỏa thuận mang tính hình thức. Mục tiêu cuối cùng của xử lý nợ xấu không phải vì lợi ích của ngân hàng mà là trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích các bên, trong đó có bên thứ ba là người gửi tiền.
Nhóm phân tích từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu - Ngân hàng BIDV đưa ra kiến nghị cơ chế để tổ chức tín dụng chủ động thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Việc bổ sung quy định này cũng là luật hóa “quyền chủ nợ” theo thông lệ. Phương thức thu giữ tài sản bảo đảm sẽ phát huy hiệu quả tích cực trong một số trường hợp nhất định như: Bên bảo đảm rời khỏi địa phương; tài sản bảo đảm không có người quản lý; tài sản bảo đảm là đất trống…
Cũng theo nhóm phân tích của BIDV, việc tổ chức tín dụng được quyền chủ động thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ thay vì phải khởi kiện ra tòa án, tổ chức thi hành án, sẽ tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho các bên có liên quan cũng như tiết kiệm, giảm lãng phí nguồn lực xã hội.
Cuối cùng, các ngân hàng mong sớm lấp "khoảng trống" pháp lý trong xử lý nợ xấu, để nguy cơ nợ xấu không ảnh hưởng đến an toàn của tổ chức tín dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.