Ngày 18/4/1974, tôi tạm biệt chiến trường Đông Nam bộ và E271 trong đoàn 619 ra Bắc. Chúng tôi được vận chuyển bằng ô tô theo đường Tây Trường Sơn qua Bản Đông đến ngã ba đường 9 đến Lao Bảo lúc 5g30 ngày 23/5 và trở về miền Bắc thân yêu sau khi vượt sông Bến Hải ngày 18/5/1974. Sau khi nộp hồ sơ tại trạm Thường Tín, tôi được về điều dưỡng tại Đoàn 869 Bộ tư lệnh Thủ Đô ngày 6/6.
Phần II: Từ người lính B2 thành sinh viên ưu tú của Đại học Bách khoa
Sau hơn bốn tháng điều trị, điều dưỡng tôi nhận được quyết định của Bộ Tư lệnh Thủ Đô về học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội từ ngày 25/10/1974. Thói quen đọc và tự học đã là nhu cầu của người lính sinh viên Bách Khoa, thêm vào đó với trách nhiệm phải học cho những đồng đội đã hy sinh và những đồng đội đang chiến đấu ở chiến trường, tôi đã học tốt những môn học của ngành chế tạo máy và là sinh viên Ưu Tú - thủ khoa khóa 19 khoa chế tạo máy (2974-1979) đã tự đọc và tự học các giáo trình của 2 ngành tự động hóa và vô tuyến điện tử của Bách Khoa - Hà Nội, đủ để hiểu nguyên lý và chức năng tính năng của từng bộ phận, máy và thiết bị của 2 ngành này. Những kiến thức này đã giúp tôi là người đầu tiên ở Việt Nam xây dựng và phát triển “cơ điện tử“ là phần giao thoa của 4 ngành Cơ khí - Điện - Điện tử - Công nghệ thông tin.
Mở ra con đường nghiên cứu sinh khoa học
Tháng 11/1979 anh Hoàng Ái - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện máy và dụng cụ công nghiệp Bộ cơ khí và luyện kim đã đến trường đại học Bách Khoa Hà Nội tuyển 3 kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi của khoa 19 là Nguyễn Danh Tiến ngành nhiệt luyện, Lương Đình Cường ngành gia công áp lực và tôi ngành máy công cụ và dụng cụ về làm việc tại Viện. Ngày đầu tiên đến thăm Viện tại đường Khương Đình thấy cơ sở chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 và 1 nhà xưởng thì cũng hơi lo nhưng khi được gặp các cán bộ của Viện lúc đó là 79 người phần lớn là phó tiến sĩ, kỹ sư học ở nước ngoài về với tác phong làm việc nghiêm túc và lịch sự tôi thấy yên tâm.
Lúc đó Phòng Dụng cụ chỉ còn 2 người nên anh Tiến sinh hoạt chung với xưởng chế tạo thử P12 còn tôi sinh hoạt với phòng điện do anh Trinh làm Trưởng phòng. Anh Trinh là kỹ sư điện tốt nghiệp tại Tiệp và là người trưởng phòng đầu tiên và xuất sắc của tôi. nhiệm vụ khoa học đầu tiên là phục hồi 2 máy phát xung cao tần cho máy gia công bằng tia lửa điện do Liên Xô chế tạo. Anh Trinh đã mạnh dạn giao cho tôi đề tài này thuộc lĩnh vực điện tử công nghiệp với sự ủng hộ của anh Hoàng Ái - Viện phó phụ trách.
Sau 2 tháng nghiên cứu tài liệu và thực trạng tôi bắt đầu sửa chữa và phục hồi máy phát xung cao tần đầu tiên và đầu tháng 3/1980 đã được thử nghiệm và đưa vào sản xuất đề tài đã kết thúc tốt đẹp tháng 5/1980 sau khi máy phát xung cao tần thứ 2 được đưa vào sản xuất và tôi được thưởng 200 đồng - phần thưởng lớn cho công trình khoa hoc đầu tiên từ sản xuất. Tháng 6/1980 PGS Nguyễn Ngọc Lê - Viện Trưởng khi kết thúc khóa học chính trị đã ký quyết định thành lập Phòng dụng cụ P9 lúc đó chỉ có 3 người. Trưởng phòng KS. Nguyễn Văn An, KS. Nguyễn Danh Tiến và tôi. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là thiết kế và chế tạo bánh răng côn xoắn cho máy khoan xuất khẩu K525.
Năm 1991 tôi được giao đề tài Nhà nước dao răng ghép thuộc chương trình cấp Nhà nước 24-04 và được đi thực tập tại Tiệp Khắc tháng 5 và 6 năm 1982. Cuối năm 1982 ngành than có nhu cầu rất lớn về mũi khoan xoáy cầu để thay thế các sản phẩm phải mua với giá rất đắt từ Nhật Bản.
Sau khi nghiên cứu kỹ sản phẩm, vật liệu và công nghệ chế tạo tôi đã đồng ý và được giao chủ nhiệm đề tài “nghiên cứu thiết kế và chế tạo 5 mũi khoan xoay cầu 255 mm" cho mỏ than Hà Tu (Tổng công ty than Quảng Ninh). Đây là trở ngại cuối cùng để tôi được dự thi nghiên cứu sinh năm 1985. chúng tôi phải nghiên cứu thiết kế và chế tạo hai mũi khoan xoay cầu và thử nghiệm tại mỏ Hà Tu tháng 9/1983 và 3 chiếc còn lại được thử nghiệm thực tế tháng 3/1984.
Vì mức độ phức tạp và tiến độ của đề tài chúng tôi được huy động tối đa năng lực và nhân sự của Viện cùng sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ như Phòng nhiệt luyện của Viện công nghệ trong đó có vợ chồng KS. Vũ Trọng Hiến cứu chiến binh C19E271 đã tham gia từ đầu cùng với chúng tôi không quản ngày đêm để lần thử đầu tiên khoan được 1000m và lần thứ hai khoan được 2400m kết quả thử nghiệm này đã vượt xa sự mong đợi của chúng tôi và đó là nguồn khích lệ để tôi vượt qua kỳ thi nghiên cứu sinh tháng 5/1984 được tổ chức tại Đại học Bách Khoa Hà Nội .
Bảo vệ Tiến sĩ tại Cộng hòa Liên Bang Đức
Đầu tháng 8/1985 tôi được Vụ sau đại học dự kiến tôi làm nghiên cứu sinh tại Ba Lan nhưng vợ sắp cưới của tôi khuyên tiếng Đức sẽ được sử dụng nhiều hơn và năm đó nghiên cứu sinh thi đỗ xin vào Ba Lan nhiều hơn Đức nên tôi xin đổi sang Đức được ngay. Ngày 5/9/1985 chúng tôi bắt đầu học tiếng Đức tại trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội lớp ND1 với 15 người, khoa tiếng Đức năm đó có hai lớp ND1 và ND2 có 30 học viên các giáo viên là những người đã từng học tại CHDC Đức cùng 3 chuyên gia là vợ chồng ông Juhr và cô Karbi. Chúng tôi học tuần 6 buổi sáng, rất căng thẳng, buổi chiều đọc tài liệu, ôn bài và buổi tối tập phát âm.
Ngày 28/8/1986 chúng tôi bay sang sân bay Berlin rồi đi tàu hỏa về Karl Marx Stadt học tiếng Đức học kỳ 3 tại đại học tổng hợp kĩ thuật TUK. chúng tôi chỉ còn 20 học viên do tiến sĩ Kuenel và cô Sabine phu trách. chúng tôi học rất thoải mái và do được tiếp xúc với người Đức trong thành phố cũng như báo, truyền hình hằng ngày nên tháng 3/1997 chúng tôi kết thúc tốt đẹp học kỳ thứ 3 và bắt đầu làm nghiên cứu sinh với đề tài khoa học “Cắt bằng tia nước” hướng dẫn GS. TS. H. Lutzer khoa FPM Đại học tổng hợp kĩ thuật TUK.
Tôi có 6 tháng đọc tài liệu về đề tài đã nghiên cứu trên thế giới trong lĩnh vực và xác định hướng nghiên cứu của mình. hằng ngày tôi sinh hoạt cùng bộ môn và cùng hướng dẫn sinh viên Đức làm luận án tốt nghiệp đại học. Trong thời gian này tôi vẫn phải học kỳ 4 và 5 tiếng Đức nhưng chỉ học một tuần một buổi chiều để thi tốt nghiệp với chứng chỉ của viện Herder “ người có chứng chỉ này không bắt buộc phải học tiếng Đức”.
Tôi đến thư viện nhà trường tìm danh mục đề tài “cắt bằng tia nước” có 7 luận án tiến sĩ (6 bản tiếng Đức và 1 bản tiếng Anh và một tạp chí khoa học bằng tiếng Đức) đến lúc đó tôi mới thấy lời khuyên của vợ chọn học tiếng Đức thật sáng suốt. tôi được thư viện cấp lần lượt các tài liệu cần thiết để đọc và nghiên cứu trong sáu tháng và mỗi tháng 1 lần báo cáo với giáo sư Lutzer. Tháng 10/1987 với sự giúp đỡ của giáo sư tôi đã xác định được đề tài nghiên cứu “cắt bằng tia nước” với sự tham gia của hạt mài từ tính, trong từ trường quay ”để bắt đầu xây dựng mô hình thí nghiệm tại xưởng thực nghiệm khoa FPM” với kinh nghiệm của tôi trong 6 năm thiết kế và sản xuất cơ khí tại Việt Nam, sự hỗ trợ của các trưởng ngành và quản đốc xưởng thực nghiệm FPM. Tôi đã hoàn thành tốt và đúng thời hạn mô hình thực nghiệm.
Từ tháng 7/1988 đến 7/1989 tôi phải tiến hành các thí nghiệm trên các vật liệu, thông số công nghệ, kích thước vòi phun và môi trường khác nhau để tìm quy luật và thông số tối ưu cùng nữ sinh viên Đức K.Damm đang làm luận án tốt nghiệp do giáo sư H.Lutzer hướng dẫn. phức tạp và mất thời gian nhất là khi tìm được chế độ công nghệ tối ưu cho mỗi một vật liệu chúng tôi phải quay phim 16mm với 5000 ảnh/s. tháng 8/1989 tôi bàn giao mô hình thực nghiệm cho KS. K.Damm đã tốt nghiệp và làm việc tại khoa FPM để bắt đầu viết luận án.
Tôi viết từng chương rồi nộp cho giáo sư sửa. giáo sư Lutzer sửa nhưng tôi không đọc được và phải nhờ thư ký của giáo sư viết lại nên thời gian rất chậm. Đến ngày thứ hai tuẩn đầu tiên tháng 10/1990 xảy ra cuộc biểu tình lớn tại thành phố Leibzig rồi sau đó lần lượt diễn ra hàng tuần tại Berlin rồi đến các thành phố khác. ngày 3/11 những người biểu tình phá đổ bức tường ngăn cách giữa Đông và Tây Berlin. Đảng SED phải thay đổi tổng bí thư và ngày 3/12/1989 tại hội nghị Malta đã chọn phương án thống nhất nước Đức vào ngày 3/10/1990. Thật là quá sốc với chúng tôi vì Đông Đức là một xã hội đáng mơ tưởng và luôn ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến đấu cho sự thống nhất đất nước.
Tháng 1/1990 tôi lại tập trung viết luận án và hoàn thành vào tháng 4/1990 và gửi luận án cho 3 người phản biện: người hướng dẫn giáo sư Lutzer, người phản biện từ trường đại học giáo sư Piegert và người phản biện từ sản xuất tiến sĩ Lochmann. Ngày 1/5/1990 tôi vui mừng được đón vợ và con trai sang thăm để dự lễ bảo vệ luận án và chủ tiệc mừng tân tiến sĩ được tổ chức trọng thể ngày 8/7/1990 tại trường Đại học tổng hợp kĩ thuật thành phố Chemnitz TU Chemnitz (tên cũ là Karl Mark Stad).
Sự có mặt của vợ và con trai tại Chemnitz đã mang lại sự may mắn, niềm phấn khởi và tự tìn để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nhưng quan trọng nhất là sự ủng hộ với quyết định của tôi về Việt Nam góp phần xây dựng và phát triển đất nước! Chúng tôi có 3 tháng để thu xếp đồ đạc và hành lý gửi về nước nhưng nước Đức đã thống nhất và toàn bộ số tiền tôi dành dụm được đổi sang tiền DM với tỷ 1/1 và 2/1 gồm học bổng tiền công lao động cuối tuần năm đầu tiên và tiền dạy tiếng Đức cho các công ty nhận công nhân Việt Nam theo hiệp định xuất khẩu lao động giữa hai nước trong 2 năm tiếp theo. Ngày 10/12/1990 chúng tôi bay về Hà Nội với bằng tiến sĩ, 2 Patent và thành viên của Hội khoa học “Cắt bằng tia nước” của Cộng hòa liên bang Đức.
(còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.