Hàng loạt gameshow trở lại trong năm 2023 sau một thời gian trầm lắng bởi đại dịch Covid-19. Và dù nhiều gameshow vẫn còn những “hạt sạn” muôn thuở như ngập quảng cáo, lắm chiêu trò... song đã có những tín hiệu vui được “gieo mầm” cho mùa mới.
Loạt gameshow mới
Năm 2023 chứng kiến sự xuất hiện của một loạt gameshow mới trên truyền hình, bên cạnh những chương trình đã tạo được tiếng vang trước đó như “Rap Việt”, “Ca sĩ mặt nạ”, “Ai là triệu phú”...
Gameshow “Đệ nhất mưu sinh” ra đời vào tháng 7-2023, thổi làn gió mới cho chuỗi các chương trình truyền hình thực tế khi dàn nghệ sĩ khách mời thực hiện các nhiệm vụ để kiếm tiền từ công việc bất kỳ. Trải nghiệm các công việc ở xưởng nhang, xưởng bánh, họ hòa mình vào cuộc sống của người lao động, chia sẻ, cảm thông với những hoàn cảnh ngoài đời thực.
Trong khi đó, “Có hẹn cùng thanh xuân” lên sóng VTV3 vào tối 22-10 là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên dành cho những người ở độ tuổi ông bà với sự tham gia của các khách mời: Nhà báo Lại Văn Sâm, NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long... Những người tham gia là các cặp bạn thân thời thanh xuân, họ cùng nhau chinh phục những cung đường với nhiều thử thách bất ngờ, thú vị.
Show “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” cũng có mùa đầu tiên tại Việt Nam, sau khi nhà sản xuất mua bản quyền thành công từ Trung Quốc. Sân chơi quy tụ 30 nữ nghệ sĩ nổi tiếng, gồm nhiều gương mặt gạo cội của showbiz Việt như Mỹ Linh, Lệ Quyên, Hồng Nhung, Thu Phương, Lưu Hương Giang... Họ thể hiện tài năng ca hát, vũ đạo, trình diễn để giành suất ra mắt trong một nhóm nhạc nữ 7 người.
Một số gameshow mới đáng chú ý khác có thể kể tới “The New Mentor”, “Hành trình rực rỡ”, “La cà hát ca”... Sau 7 năm vắng bóng, “Vietnam Idol” cũng bất ngờ quay trở lại, trong khi “Ca sĩ mặt nạ” đưa ra nhiều thay đổi trong luật chơi để giữ chân khán giả.
Vẫn nhiều "sạn"
Tại nhiều gameshow như “Hành trình rực rỡ”, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, “The New Mentor”... mỗi tập đều tràn ngập quảng cáo lồng ghép vào nội dung chương trình. Gây ức chế nhất có lẽ là chương trình “2 ngày 1 đêm” khi ở một số tập, nhà sản xuất còn buộc người chơi quảng bá sản phẩm một cách lộ liễu.
Sự tranh cãi, chơi xấu của các nghệ sĩ cũng khiến khán giả ngán ngẩm. Trong gameshow “The New Mentor”, các huấn luyện viên Hồ Ngọc Hà, Hương Giang, Lan Khuê không ngại dùng chiêu trò để giữ thành viên trong đội. Thậm chí, Hồ Ngọc Hà và Hương Giang còn úp mở về việc "cạch mặt" lẫn nhau để tăng độ "hot".
Chương trình “The Face Vietnam 2023” cũng ngập trong những tình huống kịch tính từ khi lên sóng cho đến tận lúc kết thúc, với cuộc chiến của bốn huấn luyện viên: Anh Thư, Kỳ Duyên - Minh Triệu và Vũ Thu Phương. Ở chương trình “Mỹ nhân hành động”, Trương Quỳnh Anh bị Phương Oanh tranh cãi vì hành động xấu phía sau. Tại không ít gameshow đã được phát sóng, người tham gia thậm chí thẳng thắn khẳng định "có thể làm bất cứ điều gì, miễn là giành chiến thắng".
Những yếu tố tích cực
Bên cạnh những tranh cãi, lùm xùm từ các gameshow truyền hình trong năm qua, cũng xuất hiện không ít tín hiệu vui từ những chương trình hướng tới khía cạnh tích cực, nhân văn được công chúng đón nhận. Thay vì tập trung vào chiêu trò, nhà sản xuất đã đầu tư cho các yếu tố về chuyên môn hoặc nội dung, biến chúng thành “mũi nhọn” trong hành trình chinh phục công chúng.
Trở lại sau 7 năm, “Vietnam Idol” không giành được hiệu ứng như mong đợi nhưng có một chặng đường khá “sạch”, với những góp ý tích cực từ phía 3 giám khảo Mỹ Tâm - Quang Dũng - Huy Tuấn. Thay vì tranh cãi, họ đều tập trung phân tích, đưa ra các góp ý về ưu, nhược điểm cho các thí sinh.
Trao đổi với phóng viên, nhạc sĩ Huy Tuấn khẳng định nhà sản xuất mong muốn có một chương trình truyền hình thực tế thực sự chất lượng. Ông nói: “Tôi khẳng định là không có những cắt ghép, dàn dựng tại “Vietnam Idol”. Đây chính là điều đã khiến khán giả phát ngán các chương trình âm nhạc trên truyền hình trong thời gian qua. Khi truyền hình thực tế mất đi thế mạnh lớn nhất của mình là live (trực tiếp) và truyền đạt những gì thật nhất thì sẽ trở thành những chương trình "bonsai" - kết quả của sự tỉa tót, biên tập kỹ lưỡng. Các yếu tố thực tế mất hết, điều còn lại là những chương trình sành sạch, đèm đẹp, khán giả sau 5 - 7 năm xem những thứ na ná nhau như thế họ bắt đầu nhận ra cái gì đó sai sai. Tại “Vietnam Idol”, chúng tôi tập trung vào việc phát hiện những tài năng mới, kể cả sự không trọn vẹn cũng là những nét đẹp mang lại cho ta những dấu ấn”.
Dù vướng phải không ít lùm xùm, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” cũng đã đưa khán giả trở lại những giá trị nguyên bản cần thiết, khi tình yêu thương, sự trân trọng lẫn nhau giữa các nghệ sĩ được tôn vinh. Dù có thể có những phức tạp phía sau hậu trường, chí ít, chúng không xuất hiện một cách thô lỗ và được cổ xúy trên sóng truyền hình. Tại đêm công diễn mới đây, ca sĩ Mỹ Linh nghẹn ngào chia sẻ: "Chương trình giống như một xã hội thu nhỏ, có mọi cảm xúc. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn cầm tay nhau và tiếp tục cống hiến cho khán giả". Trong khi đó, Thanh Vân Hugo và Lynk Lee thổ lộ, họ đều cảm nhận được tình cảm giản dị, chân thành, sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các nghệ sĩ lớn.
Vẫn biết chiêu trò là thứ “gia vị” khó có thể thiếu trong gameshow, song theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khán giả đã dần quen và nhận ra đâu là chiêu trò của nhà sản xuất. “Khi nhận thức của khán giả ngày một tăng cao, việc sử dụng chiêu trò thái quá sẽ trở thành con dao hai lưỡi, bên cạnh đó, làm mất tính sáng tạo và ngăn cản sự đầu tư vào chất lượng. Cũng bởi vậy, những nhà sản xuất gameshow sẽ phải thay đổi nếu muốn tạo nét riêng hấp dẫn cho chương trình, cũng như giữ chân khán giả” - ông Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.