Từ ngày 30-4 đến 4-5, tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”.
Chương trình nhằm tạo không khí đậm nét chợ vùng cao để du khách trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do chính các cộng đồng dân tộc thực hiện và giới thiệu phục vụ du khách tham quan.
Các hoạt động có sự tham gia của hơn 100 người thuộc 16 dân tộc đang hoạt động hằng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Ngoài ra, Ban tổ chức còn huy động hơn 60 đồng bào dân tộc Xinh Mun (tỉnh Sơn La), dân tộc Hà Nhì, Mông (tỉnh Lai Châu).
Chương trình “Điểm hẹn vùng cao” có nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn như: Tái hiện chợ phiên vùng cao các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc với không khí xuống chợ, vui chơi và các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, sản vật của các dân tộc… Tại đây, Ban tổ chức giới thiệu 40 gian hàng trưng bày sản vật của các dân tộc như: Rau củ quả, thịt trâu treo gác bếp, rượu men lá, các loại gia vị, thổ cẩm… và giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội)… Trong đó có 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống dân tộc gồm gà ri, lợn bản, xôi màu, thịt nướng, cá nướng…
Bên cạnh đó, Ban tổ chức giới thiệu chương trình “Sắc màu chợ phiên” với các hoạt động biểu diễn dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc, mang chủ đề mừng đất nước, ca ngợi quê hương, bản sắc dân tộc vùng miền. Tại đây, du khách sẽ được cùng đồng bào các dân tộc tham gia các trò chơi như đánh quay (tu lu), đánh pao, đánh yến, đu dây, đẩy gậy...
Tham gia chương trình “Điểm hẹn vùng cao”, du khách còn được trải nghiệm không gian giới thiệu nghề thủ công truyền thống và các hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc như: Tái hiện lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông (tỉnh Lai Châu); tái hiện lễ Mạng ma của dân tộc Xinh Mun (tỉnh Sơn La); tái hiện Tết Mùa Mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì (tỉnh Lai Châu).
Trong những ngày này, ngoài việc giới thiệu văn hóa các dân tộc, Ban tổ chức còn triển khai các dịch vụ phục vụ du khách tham quan tuyến điểm và trải nghiệm các gói dịch vụ du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.