(HNMO) - Sáng 29-11, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị từ điểm cầu Trung ương tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Tham dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng các ban Đảng Trung ương, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước...
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh và một số Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy dự tại điểm cầu Trung ương. Dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố...
Đây là hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối
Mở đầu hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã truyền đạt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 30-NQ/TƯ. Theo đó, trong Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, Bộ Chính trị đã xác định cụ thể tình hình; 5 quan điểm; mục tiêu và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Chính trị nêu rõ, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc...
Về mục tiêu, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ xác định, đến năm 2030, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước, đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Về một số chỉ tiêu cụ thể, Bộ Chính trị xác định, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó, nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%. 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Nghị quyết số 30-NQ/TƯ nêu 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhóm đầu tiên là “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng”. Đáng chú ý, Bộ Chính trị nêu rõ, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng... Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tiếp tục được phát triển là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng; phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh. Vùng nam Đồng bằng sông Hồng phát triển các ngành nông nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.
Nghị quyết cũng xác định: “Thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh”; tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, quốc tế.
Tiếp đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trình bày Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trình bày Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế
Tham luận tại hội nghị, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Quốc phòng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định… đều đã làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa, đồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ.
Thay mặt Thành ủy Hà Nội tham luận tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, cùng với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết 30-NQ/TƯ sẽ là căn cứ, cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hạn nhưng rất cụ thể cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, để việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng sớm đi vào cuộc sống, thành phố Hà Nội nêu 5 nhóm kiến nghị, đề xuất. Đáng chú ý, Hà Nội đề nghị các ban, bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá các chính sách thi hành Luật Thủ đô, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang trong quá trình xây dựng. Thành phố đề xuất định hướng phát triển Vùng thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là phân vùng chức năng phát triển các địa phương, như: Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại; tỉnh Bắc Ninh phát triển công nghiệp trên nền tảng sản xuất thông minh…
Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nhấn mạnh và làm rõ thêm một số vấn đề tập trung vào trả lời 3 câu hỏi, đó là: Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?; Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì?; Phải làm gì và làm như thế nào để tổ chức thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đã đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?
Trong đó, để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần đặc biệt chú ý 5 nhóm vấn đề. Đồng chí nêu rõ, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong Vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Vùng và các địa phương trong Vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong Vùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn, dẫn đầu cả nước.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngay sau hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức Đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở các địa phương trong Vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong Vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong Vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng nhất định sẽ phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang, khí phách quật cường và tài năng, phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người "Bắc Hà"; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội và toàn vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực tăng trưởng Bắc Bộ đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Hồng theo tinh thần: Cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước; phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và tiềm năng, lợi thế vượt trội để luôn luôn xứng đáng là trung tâm chính trị đầu não quốc gia; là một trong hai động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho việc hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Như vậy, Bộ Chính trị đã hoàn tất việc ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII đối với toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.