Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cá chết hàng loạt ở nhiều nước

Theo Tiền Phong| 23/04/2016 10:15

Những vụ cá chết hàng loạt thỉnh thoảng lại xảy ra đâu đó trên thế giới. Nguyên nhân có thể do ô nhiễm công nghiệp, nhưng cũng có thể do yếu tố thời tiết.

Hồi tháng 4/2016, cá chết trắng bờ biển khu vực Magdalena (Colombia) Ảnh: News


Ngày 22/4, báo chí Colombia đưa tin, cá biển chết trắng bờ biển khu vực Magdalena thuộc tỉnh Algarrobo. Thị trưởng thành phố Zapayán ở khu vực Magdalena nói rằng, những cơn mưa đầu tiên chứa hàm lượng acid cao có thể là nguyên nhân. Tuy nhiên, một số chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân cá chết hàng loạt trong suốt 15 ngày ở Magdalena là do nhiệt độ thay đổi đột ngột, dẫn tới thay đổi nồng độ pH và cạn kiệt ôxy.

Ngày 18/4, báo chí Chile đưa tin, khoảng 4.000 tấn cá mòi chết, dạt vào bãi biển ở khu vực La Araucania. Một nhóm thợ lặn hải quân Chile lặn xuống khu vực ven bờ, xác định lớp cá chết dày tới một mét. Đại diện cộng đồng ngư dân cho rằng, lượng cá chết có thể lên tới 20.000 tấn. Các nhà khoa học Chile nói rằng, cá chết trắng bờ biển là hiện tượng tự nhiên, nguyên nhân có thể là do nước trong khu vực vịnh kín bị thiếu ôxy.

Một trong những sự cố cá chết hàng loạt liên quan hóa chất xảy ra gần đây nhất là ở thành phố cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Hơn 1 tuần sau vụ nổ kho chứa hóa chất vào tháng 8/2015, vài ngàn con cá chết dạt vào bờ sông Hai, cách hiện trường vụ nổ vài cây số, China Daily đưa tin. Vụ việc khiến giới chức Trung Quốc khó giải thích với người dân rằng nguyên nhân không phải do hóa chất.

Những bức ảnh chụp bờ sông trắng xác cá xuất hiện cùng lúc với các báo cáo về dòng nước chảy gần hiện trường vụ nổ bị nhiễm chất độc xyanua vượt vài trăm lần mức cho phép. Xyanua được sử dụng rộng rãi trong khai thác vàng, có thể gây ngộ độc cho con người chỉ với một lượng rất nhỏ.

Giới chức Trung Quốc thừa nhận, ít nhất 700 tấn hóa chất được cất ở khu nhà kho bị nổ nhưng vẫn cố trấn an người dân rằng, cá chết hàng loạt không phải do hóa chất rò rỉ ra sông. Họ cho rằng, cá chết hàng loạt không phải hiện tượng bất thường trong mùa hè, khi lượng oxy trong nước sông ô nhiễm có thể giảm mạnh. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc sau đó đưa tin, các xét nghiệm mẫu cá và nước sông không tìm thấy lượng xyanua đáng kể ở sông. Nhưng giải thích này không thuyết phục được người dân.

Cá biển chết hàng loạt là rất bất thường

Giữa tháng 3 năm nay, hàng loạt xác cá chết dạt vào đoạn bờ biển dài khoảng 10km ở thị trấn du lịch biển Broome, Úc, không rõ vì nguyên nhân gì. Xác những con cá tuyết, cá rô biển, cá hồng và cá hồi san hô được tìm thấy dọc khu vực đánh bắt cá truyền thống và các bãi biển đông người nằm cách trung tâm Broome khoảng 70km về phía bắc. Thậm chí xác những con rùa biển nhỏ, rắn biển và chim biển cũng dạt vào bờ.

Ông Peter Godfrey, quan chức quản lý nghề cá ở khu vực, cho rằng cá biển chết hàng loạt là điều không bình thường. “Thỉnh thoảng chúng tôi thấy cá chết hàng loạt trên sông hoặc cửa sông, nhưng ở biển thì rất bất thường”, ABC dẫn lời ông Godfrey. Nhưng quan chức này cho rằng, chất độc hoặc ô nhiễm khó có thể là nguyên nhân. Trong thời gian chờ đợi giới chức lấy mẫu xét nghiệm, người dân được khuyến cáo tránh động vào hoặc ăn cá chết, thậm chí không dùng cá chết làm mồi câu hay đưa thú cưng đi dạo trên bờ biển.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, Bộ Nghề cá thông báo, nguyên nhân cá chết hàng loạt là do nước biển ấm lên và thủy triều lớn. “Đến nay, bằng chứng cho thấy cá chết là do các yếu tố môi trường, nhiệt độ môi trường cao hơn, nước biển ấm hơn bình thường, gió lớn liên tục 1 tuần trên biển và thủy triều lớn”, ông Godfrey nói. Ông cũng nói rằng, không có bằng chứng cho thấy nguyên nhân là dịch bệnh hay vi khuẩn.

Bang Florida của Mỹ có thể được coi là thủ phủ của nghề cá thế giới. Nhưng vào cuối tháng 3 năm nay, người dân ở đây chứng kiến một hiện tượng mà họ gọi là đau lòng. Những bãi biển thơ mộng, cửa sông và dọc con sông ở bang này phủ trắng xác cá chết. Ước tính, hàng trăm nghìn con cá chết trên khu vực xa ngút tầm mắt. “Những cảnh tượng đau lòng trải dài mấy dặm. Trên và dưới bãi biển đều như vậy”, CNN dẫn lời ông Mike Conner - một ngư dân làm nghề đánh bắt ở khu vực này từ những năm 1970.

Cá chết hàng loạt ở bang Florida, Mỹ hồi tháng 3/2016. Ảnh: Florida Today


Nhưng sự tàn phá không chỉ có thể nhìn thấy trên bề mặt, mà còn nằm sâu trong dòng nước. Hiện tượng thời tiết El Nino gây ảnh hưởng mạnh ở Florida gần đây. Tháng 1 năm nay, một số khu vực ở miền trung Florida tiếp nhận lượng mưa cao gấp ba lần bình thường. Lượng nước mưa đó chảy qua các khu dân cư rồi mang theo phân bón, các chất độc hại xuống sông rồi ra biển. Nhưng đó không phải tất cả. Nhiệt độ mùa đông ấm hơn bình thường khiến các loài rong, tảo độc ở biển phát triển mạnh và cùng với thủy triều nâu làm suy giảm nghiêm trọng lượng ôxy trong nước.

Các quan chức phụ trách môi trường của bang Florida cho biết, hiện tượng cá chết hàng loạt vì thời tiết từng xảy ra trước đây. “Việc cá chết hàng loạt lúc nào cũng có thể xảy ra”, CNN dẫn lời ông Kelly Richmond, quan chức của Viện Nghiên cứu cá và động vật hoang dã Florida, nói. Tuy nhiên, ông Richmond thừa nhận, thủy triều nâu từng xảy ra, nhưng cá chết nhiều như lần này thì chưa từng có.

Do cải tạo đất, phát triển cơ sở hạ tầng?

Đầu tháng 3/2015, ở khu vực bờ biển phía đông của Singapore, hàng trăm tấn cá tự nhiên và cá nuôi chết nổi trắng bụng, khiến ngư dân chỉ trong một đêm mất hàng trăm nghìn đô la, BBC đưa tin. Cá vây tia, cá ngựa, rắn biển, mực, cá chình… chết nổi lềnh bềnh rồi bị sóng đánh dạt vào các bãi biển. Theo các chuyên gia môi trường, một số loài sinh vật biển rất khỏe như cá vây tia, cá trê… và những loài động vật không xương sống như giun mà chết bất thường như vậy là rất đáng ngại, vì điều đó có nghĩa rằng, gốc của chuỗi thức ăn đã bị ảnh hưởng.

Cơ quan môi trường Singapore nói rằng, cá chết hàng loạt là do hiện tượng sinh vật phù du bùng phát, sinh sôi nảy nở rất nhanh, làm tổn hại mang cá, làm cá thiếu dưỡng khí. Hiện tượng này còn được gọi là hiện tượng phú dưỡng vì có quá nhiều chất dinh dưỡng như nitrat, phốt-phát từ phân bón, nước thải bị xả vào môi trường nước. Khi đó, số lượng sinh vật phù du tăng đột biến, làm cạn kiệt lượng ôxy hòa tan trong nước. Cơ quan ngư nghiệp Singapore khuyến cáo ngư dân đưa lồng nuôi cá vào khu vực an toàn hơn, tích cực bơm nước để tăng hàm lượng ôxy hòa tan…

Một số ngư dân Singapore cho rằng, việc cải tạo đất, phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ cao ở Johor, một bang của Malaysia gần với Singapore nhất, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng chất lượng nước biển Singapore. “Hiện tượng phú dưỡng bùng phát nhanh là vì hàm lượng dinh dưỡng trong nước biển quá cao. Tất cả những dưỡng chất này đến từ đâu? Đến từ việc cải tạo đất ở Malaysia”, một người dân tên là Frank Tan nói. Tuy nhiên, chính Singapore cũng cải tạo đất ở bờ biển phía bắc, ngăn các cửa sông ở vùng đông bắc để tạo hồ chứa. Tính đến tháng 3/2015, Singapore có 117 khu vực nuôi cá biển trên tổng diện tích mặt nước hơn 102 ha – gấp đôi con số ở thập niên trước.

TS Lim Po Teen, nhà khoa học biển công tác tại Đại học Malaya, cho rằng, biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân vì tác động nhiệt độ, thời tiết. “Nhưng ở cấp độ địa phương, việc tăng mạnh khu vực nuôi trồng thủy sản mấy năm qua trực tiếp làm tăng lượng dưỡng chất trong nước. Đó là thức ăn dành cho cá. Đó là chất thải”, TS Lim nói. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cá chết hàng loạt ở nhiều nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.