(HNMO) - Kể từ khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bưu chính, trụ cột là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel, đã tham gia cung ứng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân Thủ đô.
Phục vụ xuyên dịch
Ngay trong ngày 24-7 khi Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bưu điện thành phố Hà Nội đã bố trí 472 điểm bán hàng thiết yếu bình ổn giá tại các bưu cục, bưu điện văn hóa xã; đồng thời, tăng 3 lần lượng hàng hóa tại các điểm phục vụ. Người dân có thể gọi điện cho bưu tá, bưu cục gần nhất để yêu cầu cung cấp hàng hóa và nhân viên bưu điện sẽ chuyển phát miễn phí đến tận nhà trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Bưu điện thành phố Hà Nội còn bán hàng theo hình thức trực tuyến (online) qua sàn thương mại điện tử Postmart (landing page: hanoi.postmart.vn) và qua fanpage "Vietnam Post - Bưu điện thành phố Hà Nội" nhằm phục vụ người dân bất cứ lúc nào.
Ông Bùi Văn Hoàng, Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội cho biết, so với trước khi giãn cách xã hội, lượng hàng hóa bán tại các điểm bình ổn tăng 15-20%, chủ yếu là mặt hàng gạo, dầu ăn, mì tôm, phở khô, gia vị...
Còn ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), thuộc Tập đoàn Viettel cho biết, sau 1 tuần kể từ ngày 24-7, tại Hà Nội, lượng hàng hóa tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò tăng mạnh với trung bình 42 tấn/ngày. Tính chung tổng sản lượng hàng hóa đạt 294 tấn, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020; các mặt hàng chủ yếu tập trung vào nhu yếu phẩm như gạo, trứng gia cầm, mì, dầu ăn và các loại rau, củ, quả.
Để chuẩn bị điều kiện cung ứng dịch vụ trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, hơn 4.000 bưu tá với hàng trăm điểm bưu cục cùng toàn bộ mạng lưới của hai doanh nghiệp trên đã được huy động, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch.
Đặc biệt, khi Hà Nội tăng cường quản lý với đội ngũ giao hàng tận tay (còn gọi là shipper), cả hai đơn vị đã nhanh chóng đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để cấp mã xác nhận cho hơn 4.000 bưu tá.
Đại diện Vietnam Post và Viettel Post đều khẳng định, các bưu tá được cấp mã hoạt động giao nhận hàng, phục vụ cung cấp hàng hóa thiết yếu tại địa bàn Hà Nội đều thường xuyên được quán triệt thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống dịch bệnh và được quản lý, giám sát chặt chẽ...
Sẵn sàng mở rộng cung cấp hàng hóa, dịch vụ
Theo Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng, Bưu điện Hà Nôi đã có "kịch bản" tăng thêm 27 điểm bán hàng tươi sống tại các bưu cục.
“Bưu điện thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên hệ với cơ sở kinh doanh địa phương, siêu thị lớn chuẩn bị phương án cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống, sẵn sàng liên kết phục vụ nhân dân khi có yêu cầu...”, ông Hoàng thông tin.
Viettel Post đã tiếp xúc với 25 siêu thị ở Hà Nội, trong đó có các siêu thị đã có kênh bán hàng online, để hỗ trợ vận chuyển và phát hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Đối với các siêu thị chưa có kênh bán hàng trực tuyến, Viettel Post sẽ đưa sản phẩm lên sàn Voso.vn.
Là đơn vị được chỉ định cung cấp dịch vụ hành chính công, Bưu điện thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các phương án phục vụ tới địa chỉ khách hàng, Theo đó, Bưu điện thành phố Hà Nội duy trì mở cửa 100% điểm phục vụ để tiếp nhận các dịch vụ thiết yếu, như nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua đường bưu điện; chuyển phát hàng hóa thông thường.
Ngoài ra, Bưu điện Hà Nội là đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho Bảo hiểm xã hội Hà Nội, phục vụ thu phí cấp mới và gia hạn Thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện phục vụ cho người dân khám, chữa bệnh trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.