Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bưu chính làm đại lý cho "nhà mạng": Lợi cả đôi đường

Việt Nga| 29/06/2012 07:27

(HNM) - Việc hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động chiếm thị phần khống chế Viettel, Mobifone, Vinaphone cùng hai doanh nghiệp bưu chính là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) và Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost) đã được bàn tới, nhằm sử dụng các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) làm điểm đăng ký thông tin thuê bao trả trước (TTTB).

Việc hợp tác giữa bưu chính với các “nhà mạng” sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Ảnh: Trần Thanh Hải

Sở dĩ có sự hợp tác giữa các nhà mạng và DN bưu chính là bắt nguồn từ các quy định của Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ban hành có hiệu lực từ ngày 1-6. Trong đó, tại điểm 2 Điều 14 chương III quy định trách nhiệm của các nhà mạng chiếm thị phần khống chế phải triển khai ít nhất một điểm đăng ký TTTB tại mỗi phường, xã, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thông tư cũng nêu rõ DN có thể lựa chọn một trong các hình thức: tự có điểm đăng ký TTTB; hợp tác với DN khác cùng triển khai điểm đăng ký TTTB; ký hợp đồng ủy quyền với VietnamPost, ViettelPost và Trung tâm Bưu chính Sài Gòn triển khai điểm đăng ký TTTB tại các bưu cục, điểm BĐVHX; ủy quyền cho các DN cung cấp dịch vụ di động khác để triển khai điểm đăng ký TTTB tại các điểm đăng ký mà các DN đó tự triển khai. Thông tư cũng quy định mỗi điểm đăng ký TTTB này với những điều kiện cụ thể đi kèm về trang thiết bị, diện tích…

Có thể thấy, trong số 4 "gợi ý" mà thông tư nêu ra, thì hai gợi ý liên quan đến việc hợp tác giữa các nhà mạng để nhận đăng ký TTTB là khó khả thi, vì các nhà mạng đang cạnh tranh quyết liệt cả về chất lượng mạng lưới lẫn chất lượng phục vụ. Chỉ còn hai cách: tự DN làm và thuê bưu điện. Về vấn đề này, tại cuộc họp do Cục Viễn thông chủ trì trong tháng 6-2012, đại diện các DN bưu chính là VietnamPost và ViettelPost cho biết đã sẵn sàng để triển khai việc thực hiện đăng ký TTTB theo yêu cầu của các nhà mạng.

Việc ký hợp đồng ủy quyền với bưu điện, với Vinaphone (thành viên của VNPT) có thể nói là dễ dàng, vì theo mô hình kinh doanh của VNPT, việc kinh doanh dịch vụ Vinaphone cũng như các khâu liên quan do viễn thông và bưu điện các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm. Do vậy, với lợi thế hơn 3.000 điểm bưu cục và 8.000 điểm BĐVHX, Vinaphone có thể dễ dàng triển khai việc đăng ký TTTB. Cùng là thành viên của VNPT, nhưng Mobifone là mô hình hợp tác kinh doanh với nước ngoài nên việc kinh doanh ít gắn với bưu điện, viễn thông các địa phương. Tuy nhiên, cách đây hơn một năm, giữa VietnamPost (thành viên của VNPT) và Mobifone đã ký thỏa thuận hợp tác, đặc biệt trong tháng 5-2012, hai đơn vị này lại tiếp tục ký thỏa thuận và VietnamPost làm đại lý cho Mobifone... nên việc triển khai điểm đăng ký kinh doanh cũng thuận lợi. Còn đối với Công ty Viễn thông Viettel, cùng với sự phát triển, hiện nay nhà mạng này cũng đã thành lập bộ phận kinh doanh đến các quận, huyện gọi là trung tâm viễn thông (tương tự như VNPT) nhưng lại không có hệ thống bưu cục nằm ở xã, phường như VNPT (được biết hệ thống bưu cục của ViettelPost mới có gần 160 điểm), do vậy sẽ gặp khó khăn không nhỏ trong triển khai điểm đăng ký TTTB. Theo đại diện của Công ty Viễn thông Viettel, nhà mạng này có 7.800 điểm đăng ký, mới đáp ứng được 86% so với nhu cầu và để hoàn thành nốt chỉ tiêu là một thách thức không nhỏ. Được biết, cả ba nhà mạng "đại gia" kể trên mỗi mạng có trên dưới 30 triệu thuê bao, trong đó lượng thuê bao trả trước chiếm tỷ lệ lớn. Số lượng thuê bao trả trước còn tồn đọng chưa đăng ký TTTB hoặc đăng ký chưa chính xác cũng không nhỏ, cộng với lượng thuê bao mới trả trước phát triển mới hằng ngày, do vậy nếu như các bưu cục, điểm BĐVHX làm tốt khâu ủy quyền đăng ký TTTB cho nhà mạng không chỉ góp phần thực hiện tốt Thông tư 04 mà còn có một nguồn thu đáng kể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bưu chính làm đại lý cho "nhà mạng": Lợi cả đôi đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.