Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Hoàng Linh| 30/05/2018 06:27

(HNM) - Mỹ đã quyết định hoãn một loạt biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump vẫn muốn thúc đẩy chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Việc Bình Nhưỡng hoàn tất phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri được cho là tiền đề quan trọng trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.


Bước đi mới nhất nói trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh ngày 24-5 vừa qua Tổng thống D.Trump đã viết một bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo rằng cuộc gặp dự kiến giữa hai bên tại Singapore đã bị hủy. Lý do được đưa ra là "vì thái độ tức giận khủng khiếp và sự thù địch công khai" trong những phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao Triều Tiên. Quyết định bất ngờ của Tổng thống D.Trump đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng và ngay lập tức Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tăng tốc các biện pháp ngoại giao con thoi nhằm “cứu” hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều trước nguy cơ đổ vỡ. Vì thế, một hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa hai miền Triều Tiên trong vòng chưa đầy một tháng lại được tổ chức chóng vánh nhưng thân thiện, đầy chia sẻ. Hình ảnh những cái ôm chặt giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un xuất hiện tràn ngập trên truyền thông toàn cầu nhen nhóm niềm hy vọng mới. Cuối cùng, Tổng thống D.Trump cũng đưa ra tuyên bố, ông mong chờ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào ngày 12-6.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc thay đổi quan điểm nhanh chóng của ông chủ Nhà Trắng cũng như những tuyên bố của các bên liên quan trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua đều nằm trong toan tính chính trị của mỗi quốc gia. Lâu nay, Mỹ luôn bảo lưu quan điểm cứng rắn rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, giải trừ kho vũ khí hạt nhân hiện tại, bao gồm cả việc chuyển các đầu đạn ra nước ngoài để đổi lấy việc Washington gỡ bỏ cấm vận. Trong khi đó, Bình Nhưỡng chỉ đề xuất chuyển một số loại tên lửa nhất định, như tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ, ra bên ngoài. Quốc gia Đông Bắc Á này khẳng định sẽ chỉ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút binh sĩ ra khỏi Hàn Quốc và “chiếc ô” hạt nhân ra khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì thế, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với người đứng đầu Nhà Trắng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Với Tổng thống Moon Jae-in, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có liên quan trực tiếp tới hòa bình, an ninh của Hàn Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh nhà lãnh đạo ủng hộ chính sách “Ánh dương” thúc đẩy quan hệ với quốc gia láng giềng phía Bắc xác định an ninh là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của xứ Kim chi. Vì vậy, việc làm tất cả những gì có thể để cuộc gặp giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra như kế hoạch là nằm trong lợi ích của Hàn Quốc cũng như bảo đảm uy tín chính trị của cá nhân ông.

Cơ hội để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra là rất khả quan, bởi cả hai bên - dù vẫn còn quan điểm trái ngược - nhưng đều dành những “lời có cánh” cho các động thái mang tính xây dựng cũng như ráo riết thực hiện các công tác chuẩn bị cho hội nghị. Mới đây, Tổng thống D.Trump tiết lộ một nhóm quan chức Mỹ đã đến Triều Tiên và Singapore để chuẩn bị cho cuộc gặp quan trọng này. Về phần mình, Triều Tiên cũng đã cử Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Kim Yong-chol tới Mỹ để thảo luận với giới chức nước này về sự kiện ngày 12-6.

Dù kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều như thế nào đi nữa, thì việc tổ chức được cuộc gặp để hai bên trực tiếp thể hiện lập trường và mong muốn giải quyết khúc mắc lâu nay là một bước tiến lịch sử đối với hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.