Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bùng nổ chuyển đổi số ngân hàng

Hà Linh| 17/01/2023 06:16

(HNM) - Thời gian qua, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá là bước vào giai đoạn bùng nổ. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được các ngân hàng thiết lập, phát triển nhanh chóng. Dịch vụ ngân hàng số được kết nối với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số…

Tư vấn cho khách hàng các dịch vụ số tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Ảnh: Nguyễn Quang

Tỷ lệ lớn giao dịch qua kênh số

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiết kiệm… đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Nhiều ngân hàng chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện qua kênh số, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức tối ưu, chỉ 30-40%, phản ánh hiệu quả của chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, ứng dụng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam hiện đã đuổi kịp các thị trường phát triển. Tỷ lệ khách hàng cá nhân tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương sử dụng dịch vụ ngân hàng số tăng từ 55% vào năm 2017 lên 88% vào năm 2021. Ở thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng tương ứng là 41% lên 82%.

Với việc sử dụng thuận lợi, nhiều người dân đã không còn thói quen trực tiếp giao dịch tại ngân hàng hay sử dụng tiền mặt, thay vào đó là sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh thông tin, tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt giảm từ 12% trong năm 2021 xuống mức 6,56% trong năm 2022. Song song, thanh toán điện tử tăng trưởng 96,5% về lượng giao dịch và 87,3% về giá trị so với năm 2021.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng đánh giá: “Trên thực tế các số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần đây đều cho thấy, người dân ngày càng ít dùng tiền mặt. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác như chuyển khoản, quét mã QR, thẻ, ví điện tử… đang ngày càng phát triển. Và quan trọng là các phương thức này được người dân ưa dùng bởi tính tiện lợi”.

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, toàn thị trường có 120 triệu ví điện tử. Trong đó 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động. Có đến 3.300 tỷ đồng được người dân duy trì trong ví điện tử để thanh toán.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng số của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Ảnh: Đỗ Tâm

Những kế hoạch và dự báo

Được biết, hiện nay, một số ngân hàng đi nhanh trong phát triển công nghệ như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBBank)... đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số là sáng tạo số. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhật hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn. Đi kèm với đó là tăng cường sử dụng robot tự động hóa để gia tăng năng suất, hiệu quả làm việc trong nội bộ ngân hàng và trải nghiệm khách hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) khẳng định, chuyển đổi số là một trong những chiến lược trọng tâm phát triển của VietinBank. Bên cạnh đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại nhất vào phát triển ngân hàng số với mục tiêu đa dạng tính năng tiện ích cung cấp cho người dùng, VietinBank còn đặc biệt chú trọng yếu tố an toàn, bảo mật cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số. Mọi giao dịch của khách hàng trên kênh ngân hàng số đều được bảo mật bằng xác thực Soft OTP hoặc xác thực khuôn mặt.

Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Giám đốc Phạm Doãn Sơn cũng nhấn mạnh: Với các thao tác vô cùng đơn giản trên các thiết bị di động kết nối internet, người dùng có thể trải nghiệm mọi dịch vụ của ngân hàng. Các dịch vụ trên ngân hàng số rất đa dạng, có thể gọi là “rừng tiện ích”. Mục tiêu của ngân hàng số là không chỉ mang đến một số dịch vụ mới mà sẽ số hóa tất cả những dịch vụ tại quầy cho khách hàng.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (MSB) cũng chia sẻ, ngân hàng đang nỗ lực trong việc cá nhân hóa khách hàng. Khi cung cấp được trải nghiệm cá nhân hóa thì khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng hơn. Để trải nghiệm cá nhân hóa, ngân hàng phải thu thập và tích hợp dữ liệu. Ngoài ra, xây dựng chiến lược và lộ trình chủ chốt cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngân hàng.

Dự báo về ngân hàng số, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, năm 2023 sẽ đầy khác biệt, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Bởi vậy, các doanh nghiệp có xu hướng thay đổi quan điểm chuyển đổi từ tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí. Xu hướng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy bởi điều đó. Chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, low-code, nền công nghiệp 4.0 và máy học… là một trong những xu hướng chuyển đổi số trong năm 2023. Ngoài ra, tính bền vững cũng là một xu hướng mới đang trên đà phát triển. Việc cung cấp các mô hình làm việc mới và thân thiện hơn, lấy khách hàng làm trung tâm cũng sẽ rất quan trọng trong năm 2023. Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2023, tạo hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bùng nổ chuyển đổi số ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.