Phải nói rằng Trần Tuấn có lối viết rất “ngang tàng”. Điều đó làm cho những con chữ của anh đanh như búa gõ, mà cũng đằm như phù sa lắng dưới lòng sông dù dòng nước xoáy.
Trần Tuấn tên thật là Trần Ngọc Tuấn, sinh năm 1967 tại Hà Nội, quê gốc Quảng Ngãi. Anh được nhiều người biết đến với tư cách một nhà báo, hiện là Trưởng ban đại diện Báo Tiền Phong tại miền Trung. Thế nhưng Trần Tuấn còn viết rất nhiều thể loại, và rất thành công ở mảng ký và thơ. Cho đến nay, anh đã xuất bản ký sự nhân vật “Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà”, “Vượt qua tiểu thuyết”, bút ký "Uống cà phê trên đường của Vũ", ba tập thơ “Ma Thuật ngón”, “Chậm hơn sự dừng lại” và mới đây nhất là “Sống là gì lâu quá đã quên”.
Tập thơ “Sống là gì lâu quá đã quên” do NXB Đà Nẵng ấn hành vào quý I (2025) gồm hai phần “Thở” và “Kệ” với khoảng 40 thi phẩm đưa bạn đọc đến với thế giới biệt lập của Trần Tuấn. Một thế giới có thể đã bắt gặp ở các tập thơ trước: Cô đơn, lạnh lùng và những con chữ ân tình.
Phải nói rằng Trần Tuấn có lối viết rất “ngang tàng”. Điều đó làm cho những con chữ của anh đanh như búa gõ, mà cũng đằm như phù sa lắng dưới lòng sông dù dòng nước xoáy. Cái “ngang tàng” ấy đi từ văn xuôi vào đến tận trong thơ - một thể loại vốn rất tình. Hãy xem sự “bất cần” của anh: “tôi không thể tha thứ cho đời/ đời không thể tha thứ cho tôi/ đời không cần tha thứ cho đời/ tôi không cần tha thứ cho tôi” (“Tôi và đời chẳng tha thứ cho nhau”) hay “kệ/ buông/ kệ/ đợi/ kệ/ không/ kệ/ đang/ kệ/ mất/ kệ/ trông/ kệ/ rời” (“Kệ”).
Phải chăng bởi vì quen ngụ cư trong chốn cô đơn nên anh mới có những nghĩ suy như thế? Anh cô đơn, hay đã lên đến đỉnh của cái tôi để rồi tạo nên sự “bất cần” cùng với những câu thơ với cái tôi độc tôn: “chẳng viết gì chỉ viết rằng tôi/ chẳng đọc gì chỉ đọc rằng tôi”. Cái điệp khúc ấy cứ hát đi hát lại trong thi phẩm “Chẳng muốn gì chỉ muốn rằng” như sự khẳng định về sự tồn tại độc lập của cái tôi Trần Tuấn vậy.
Ý thức về cái tôi, ý thức về cuộc đời như vậy, nhưng có lúc anh tự hỏi: “sống là gì lâu quá đã quên/ người mệt xuống một buổi chiều thèm ngủ” (“Sống là gì lâu quá đã quên”). Tôi nhớ Trần Tuấn từng nói: “Chúng ta sống không thể thiếu cái chết được. Tôi chọn đối diện với cái chết”. Đanh sắc và lạnh lùng, trầm tĩnh, tưởng như đã quen đối mặt với đối thủ đáng gờm nhất cuộc đời ấy, nhận diện cái chết đang tồn tại ngay trong cơ thể sống mà anh quên cả việc “sống là gì”? Trong phần “Thở” - một hoạt động sống nhưng nhắc nhiều tới cái chết, hầu như ở đâu đó cái chết cũng bảng lảng như sương: “đừng ai gọi cho tôi nữa”, “nhớ chết như nhớ nhà”...
Thơ Trần Tuấn tựa như tính cách của một người đàn ông trầm tính, bắt người đọc phải tìm hiểu để thấy được tâm tư, tình cảm ẩn sâu bên trong. Giọng thơ dù đanh cứng, lạnh lùng nhưng vẫn “mênh mông bát ngát tình”. Những dòng thơ “một mai chết/ hãy trồng tôi như cái cây/ để tôi mọc sâu xuống một cái bóng/ che cọng cỏ buồn ở phía bên kia” (“Đừng ai gọi cho tôi nữa”) là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Vẫn còn có ý nghĩ như sẻ chia, như đồng cảm từ một hồn thơ tưởng chừng như vô tình, vô cảm. Để từ đây ta mới thấy anh nói “kệ” nhưng lại không bỏ qua điều gì, chẳng hề quên sống và khái niệm về nó. Và như thế thơ anh dường như là một sự nhắc nhở, hãy sống chậm rãi và cảm nhận sự sống vì “nhiều khi thở mặc nhiên là sống” (“Nghìn cánh hạc”).
“Sống là gì lâu quá đã quên” còn gây ấn tượng bởi thủ pháp nghệ thuật, tạo nên một hiệu ứng đặc biệt làm cho việc làm thơ trở thành một trò chơi thú vị. Đơn cử như bài thơ “Có được không” như là sự hoán vị giữa ba từ: “Có được không/ được có không/ không được có/ không có được”. Nhiều “ma thuật” như vậy được sử dụng trong 12 thi phẩm như “Kệ”, “Chẳng muốn gì chỉ muốn rằng”, “Đang”, “Đâu”... cho thấy sự táo bạo và sáng tạo rất Trần Tuấn.
Mỗi bài thơ của Trần Tuấn như từng câu chuyện có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Có những bài thơ ngắn như kẻ kiệm lời, có những bài thơ dài nhưng như kẻ lười bày tỏ cảm xúc, nhưng dù dung lượng thế nào thì cũng là những gợi ý để ta đi giải mã thơ anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.