Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 25-2 (sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại) đến ngày 3-4, có 26 ngân hàng thương mại trong nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, đó là các Ngân hàng TMCP: Bản Việt (BVBank), Hàng Hải (MSB), Việt Nam Thương Tín (VietBank), Sài Gòn Công thương (Saigonbank), Quốc tế (VIB), Bảo Việt (BAOVIET Bank), Kiên Long (KienLongBank), Bắc Á (BACABank), Việt Á (VietABank), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Xăng dầu Petrolimex (PGBank), Lộc Phát (LPBank), Nam Á (Nam A Bank), Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Quốc dân (NCB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Phương Đông (OCB), Công thương Việt Nam (VietinBank), An Bình (ABBank), Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Quân đội (MB) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo), Ngân hàng số Vikki, Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV).
Mức giảm lãi suất của các ngân hàng là 0,1- 1,05%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Tính riêng 3 ngày đầu tháng 4, có 2 ngân hàng giảm lãi suất huy động là VPBank và MB, trong đó, VPBank giảm 0,1% kỳ hạn 1- 5 tháng và 0,2% kỳ hạn trên 6 tháng đối với một số sản phẩm.
MB giảm 0,1% kỳ hạn 12- 18 tháng đối với tiền gửi tại quầy, trực tuyến lãi cuối kỳ của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
KienlongBank giảm 4 lần lãi suất, mức giảm 0,6-1,05% các kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng (tiền gửi online). Eximbank giảm 7 lần lãi suất với một số chương trình, mức giảm lên tới 0,8%. Một số ngân hàng khác giảm lãi suất nhiều kỳ hạn 0,3-0,5%, như VietBank, NamABank, VIB, BaoVietBank, BVBank…
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 20-3 đạt hơn 15,9 triệu tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024 và tăng 17,60% so với cùng kỳ năm 2024.
Các tổ chức tín dụng cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong quý II-2025 và chỉ tăng 0,02% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, tăng 0,17% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025.
Còn mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống có thể sẽ giảm nhẹ 0,03-0,08% trong quý II và cả năm 2025. Như vậy, lãi suất cho vay với VND bình quân của ngân hàng đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ là 6,7-9%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Trong khi lãi suất cho vay bằng USD bình quân của ngân hàng trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,2-5%/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.