TP Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương NamBài 4: Thành phố Hồ Chí Minh - Diện mạo mới bên những dòng kênh

Hà Phạm 12/04/2025 - 06:27

Phát huy thế mạnh sông nước miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xanh hóa những dòng kênh xuyên tâm vốn trước đây ô nhiễm để trở thành những mạch sống mới. Những dòng kênh một thời gây ô nhiễm của thành phố giờ đang có diện mạo mới, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.

mien-nam.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thông xe kỹ thuật một số đoạn thuộc dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vào dịp 30-4.

Hồi sinh những dòng kênh “chết”

Khánh thành và đưa vào sử dụng vào những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025 vừa qua, dự án cải tạo kênh Hàng Bàng (chảy qua địa bàn quận 5 và 6) đã mang lại niềm vui lớn cho người dân sống dọc hai bên bờ kênh. Trước đó, đây là một trong những tuyến kênh ô nhiễm bậc nhất tại thành phố Hồ Chí Minh với mùi hôi thối nồng nặc, ô nhiễm rác thải nặng nề, đã bị bồi lấp, Các hộ dân sinh sống hai bên bờ trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh môi trường. “Trước đây, khi nhìn vào dòng kênh nước đen ngòm, rác bủa vây, không ai nghĩ sẽ sớm có một dòng kênh trong xanh, hai bên có đường và công viên sạch đẹp như thế này. Dòng kênh và môi trường hai bên bờ đã thực sự hồi sinh", bà Biện Thị Thúy Hằng (phường 13, quận 5) chia sẻ.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) Lương Minh Phúc cho biết, kênh Hàng Bàng, dài 1,7km, nối từ kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6) đến kênh Tàu Hủ (quận 5). Dự kiến, toàn bộ tuyến kênh sẽ hoàn thành vào năm 2028, trở thành một “hành lang xanh” mới của thành phố.

Kênh Hàng Bàng là một trong những con kênh đã thực sự khoác lên mình diện mạo mới xanh, sạch, đẹp, tiếp nối những gì mà thành phố Hồ Chí Minh đã làm được trong suốt thời gian qua. Trong đó, khởi đầu với dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn... Đến tận bây giờ, nhiều người dân sống hai bên bờ con kênh vẫn nhớ như in những "điều kỳ diệu" đến với họ cách đây hơn 20 năm trước.

Ông Trương Trung Chính, ngụ tại đường Trường Sa (quận 1 thành phố Hồ Chí Minh) nhớ lại, khi đó, chính quyền và người dân thành phố đã đồng thuận giải tỏa di dời 11.423 căn nhà 2 bờ để cải tạo môi trường lưu vực kênh. Việc giải phóng mặt bằng bắt đầu trong giai đoạn 1993-1998. Đến năm 2002, công cuộc cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng được triển khai. Sau 10 năm xây dựng, đến năm 2011, một con kênh trong xanh uốn lượn giữa trung tâm thành phố xuất hiện, với hai bên bờ là những hàng cây, công viên xanh mát.

Không chỉ có thế, dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm (dài 7km, chảy qua các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú ); kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dài khoảng 9,3km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm chảy qua các quận 1, 4, 5, 6, và 8… cũng đã từng bước "lột xác" với diện mạo hoàn toàn mới, càng tô điểm thêm bức tranh đô thị xanh, sạch, đẹp của thành phố Hồ Chí Minh.

Sớm hết cảnh nhà xập xệ ven kênh

Một dự án lớn đang được chính quyền và người dân thành phố Hồ Chí Minh triển khai đến năm 2030 là di dời khoảng 46.000 căn nhà nằm trên và ven kênh rạch. Có thể nói đây là cuộc di dời khổng lồ, mang tính “lịch sử” và toàn diện trong chỉnh trang, phát triển đô thị thành phố.

Là hộ gia đình sống cạnh con rạch Xuyên Tâm hơn 30 năm, bà Lâm Kỳ Hoa (59 tuổi, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh) phấn khởi nói: “Khi nhận tin sắp phải di dời, gia đình tôi có chút bâng khuâng vì phải rời nơi ở thân quen, nhưng lại vui vì sẽ có môi trường sống mới xanh sạch đẹp hơn".

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) Đậu An Phúc cho hay, năm 2025, có 2 dự án cải tạo kênh, rạch khởi công mới. Cụ thể, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm và nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi. Theo đó, dự án Rạch Xuyên Tâm dài gần 9km, chảy qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Dự kiến sẽ khởi công dịp lễ 30-4 tới, để chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Còn dự án bờ bắc kênh Đôi sẽ xây dựng hơn 4,3km bờ kè dọc kênh, nạo vét một phần lòng kênh nhằm cải thiện dòng chảy và vệ sinh môi trường. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8-2025, chào mừng Quốc khánh 2-9. Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, đây là 2 tuyến kênh quan trọng trong hệ thống thoát nước khu vực nội thành của thành phố, nhưng lâu nay ô nhiễm nghiêm trọng; dân cư hai bờ ở trong những ngôi nhà tạm bợ, vừa không bảo đảm môi trường sống, vừa gây mất mỹ quan đô thị.

"Việc cải tạo các tuyến kênh, rạch này không chỉ là nhiệm vụ cấp bách về môi trường mà còn giúp nâng cao chất lượng sống của hơn 46.000 hộ dân, góp phần chỉnh trang đô thị, hướng đến phát triển bền vững", Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết.

Còn TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Nỗ lực xanh hóa các dòng sông, kênh, rạch chính là nét son trong lịch sử phát triển của thành phố Hồ Chí Minh suốt nhiều thập niên qua, đánh dấu cuộc cải tạo, chỉnh trang đô thị toàn diện, đem lại môi trường sống tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam Bài 4: Thành phố Hồ Chí Minh - Diện mạo mới bên những dòng kênh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.