Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bức tranh sáng của hệ thống ngân hàng

Hà Linh| 20/01/2018 06:33

(HNM) - Mặc dù mới có 3 ngân hàng lớn công bố kết quả kinh doanh năm 2017, nhưng cũng dự báo trước về bức tranh sáng của cả hệ thống. Lợi nhuận cao, cùng với tổng tài sản liên tục tăng, hệ thống ngân hàng -

Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hà


Lợi nhuận cao

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2017 tổng phương tiện thanh toán của toàn hệ thống tăng khoảng 16%, tín dụng tăng 18,17%. Tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng một số lĩnh vực ưu tiên có diễn biến tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng kịp thời. Thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định, nhu cầu vàng miếng giảm. Nợ xấu được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Đó là bức tranh tổng thể về hệ thống ngân hàng năm 2017. Riêng 3 ngân hàng lớn vừa công bố kết quả kinh doanh là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), con số lợi nhuận được đánh giá đạt mức khá cao.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,1%, giảm 0,35 điểm phần trăm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, các hệ số an toàn, hiệu quả hoạt động của Vietcombank được cải thiện, dần sát với các thông lệ quốc tế. Cổ phiếu VCB của Vietcombank tiếp tục có mức giá cao nhất ngành, liên tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường.

VietinBank cũng có một năm đạt con số khá ấn tượng. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, so với năm 2016, kết quả hoạt động kinh doanh của VietinBank tăng trưởng cả về lượng và chất. Cụ thể, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 15,3%, hoàn thành 101% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao; dư nợ tín dụng đạt 839.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016; tổng nguồn vốn ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 16%. Hoạt động kinh doanh của VietinBank chuyển biến rõ rệt, các biện pháp kinh doanh đổi mới, mang tính thực tiễn cao, tận dụng tối đa cơ hội thị trường để thúc đẩy tăng trưởng quy mô bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, VietinBank còn chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tổng thu phí dịch vụ đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. VietinBank phát triển sản phẩm đầu tư hiện đại, giữ vững vai trò là ngân hàng tạo lập thị trường với tổng quy mô hoạt động đầu tư đạt 243.000 tỷ đồng.

Vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu lại hoạt động (2016-2020), kết thúc năm 2017, BIDV đã về đích thành công với các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng tài sản của BIDV đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với 2016; tổng nguồn vốn huy động 1.106.517 tỷ đồng, tăng 17,9%; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 8.800 tỷ đồng.

Cơ hội và thách thức

Trên nền thành công đó, các ngân hàng nói trên đều đặt những mục tiêu cao trong năm nay. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank khẳng định, năm 2018 Vietcombank nỗ lực đẩy mạnh các mảng hoạt động, thực hiện thắng lợi kế hoạch theo đúng định hướng. Cụ thể, Vietcombank phấn đấu tăng tổng tài sản 14% so với năm 2017, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 17%, tín dụng tăng khoảng 16%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng.

VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 15-17%, nguồn vốn huy động tăng 18-20%, dư nợ tín dụng tăng 16-17%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Riêng với BIDV xác định năm 2018 là năm bản lề tạo tiền đề thực hiện thắng lợi phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Do vậy, kế hoạch được BIDV đặt ra cho năm 2018 là tín dụng tăng trưởng tối đa 17%, huy động vốn tăng 17%, chênh lệch thu chi tăng 18%, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách, bảo đảm đời sống người lao động và quyền lợi cổ đông.

Đối với cơ quan quản lý, ngay từ những ngày đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhận định, năm 2018 dự báo sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức với hệ thống ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018. Ngành Ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống. Bên cạnh đó, đưa chỉ tiêu định hướng tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng 17%. Về lãi suất, căn cứ diễn biến thực tế thanh khoản hệ thống, tỷ giá, tín dụng, tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra giải pháp điều hành phù hợp, góp phần giảm lãi suất.

Những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ, trong đó tín dụng bất động sản sẽ theo hướng cung ứng ngắn hạn. Về tỷ giá, năm 2018 với độ mở cửa khá cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế quốc tế, cũng như động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ... để điều hành tỷ giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh sáng của hệ thống ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.