Kinh tế

Nỗ lực của hệ thống ngân hàng một năm nhiều thách thức

Hà Linh 31/12/2023 - 16:57

Mặc dù năm 2023 đã đi qua với kết quả tăng trưởng tín dụng không đạt như kỳ vọng, cũng như mục tiêu đặt ra từ đầu năm, song lại đánh dấu một năm nỗ lực của hệ thống ngân hàng. Với 4 lần giảm lãi suất điều hành, cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Ngân hàng đã có những đóng góp lớn giúp nền kinh tế phục hồi.

Đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế

Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 21-12-2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 11,09%. Như vậy, chỉ tính riêng trong 3 tuần đầu tháng 12, tín dụng tăng gần 2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình 11 tháng đầu năm là 0,83%. Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,03% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,85%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85% (cùng thời điểm năm trước tăng 5,99%).

vietinbank-1.jpg
Ngành Ngân hàng đóng tốt vai trò là kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Theo đó, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2023 với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, do sức hấp thụ và cầu tín dụng còn yếu nên tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung toàn hệ thống, trong khi một số thậm chí tăng trưởng âm. Để đáp ứng kịp thời vốn cho tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong đó, cho phép các tổ chức tín dụng tăng trưởng tăng thêm nếu dư nợ tín dụng đến thời điểm xét đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo, cũng như các tổ chức tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.

Còn nhiều thách thức

Về mặt bằng lãi suất, trong năm 2023, lãi suất huy động giảm mạnh tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%, đi “ngược chiều” với chính sách điều hành của nhiều quốc gia khác trên thế giới là tăng lãi suất hoặc duy trì “neo” lãi suất ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. Mặc dù, lãi suất cho vay chưa giảm như kỳ vọng do độ trễ của chính sách, cùng với nguyên nhân các ngân hàng thương mại vẫn còn phải trả lãi suất cho những khoản vay có lãi suất cao trước đó, nhưng về cơ bản lãi suất được các doanh nghiệp đánh giá là đã “dễ thở” hơn rất nhiều so với trước.

Cùng với việc kéo mặt bằng lãi suất xuống, Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp tín dụng khác nhằm tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Với thị trường bất động sản, nhiều gói tín dụng đã được triển khai như Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng của Công ty Tài chính TNHH HD Saison và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (Fe Credit); chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...

Về tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung khá ổn định, góp phần củng cố niềm tin vào đồng Việt Nam. Tính đến cuối tháng 11, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,28% so với cuối năm 2022; tỷ giá USD tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 2,7%, được đánh giá là ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Mặc dù thành công của chính sách tiền tệ trong năm qua được đánh giá khá cao, song, những thách thức của năm 2024 còn phía trước. Nhiều tổ chức kinh tế lớn dự báo, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế có thể sẽ diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị leo thang, nhiều quốc gia tiếp tục tăng lãi suất… là những yếu tố thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo tinh thần bám sát những yêu cầu của Quốc hội và đứng trên cục diện tổng thể của nền kinh tế, nhằm bảo đảm ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, cũng như bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực của hệ thống ngân hàng một năm nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.