Tài chính

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Minh bạch, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng

Hà Linh 21/01/2024 - 06:42

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV, đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đa số ý kiến đều ủng hộ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này bởi những điều khoản mới trong bộ luật sẽ góp phần minh bạch, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng - "xương sống" của nền kinh tế.

ngan-hang.jpg
Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Đỗ Tâm

Chất lượng được đặt lên hàng đầu

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thảo luận qua hai kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thứ năm và kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV) với chung nhận định, đây là dự án luật khó, phức tạp, chuyên môn sâu, lại có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, xuất phát từ vai trò quan trọng của các tổ chức tín dụng đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật được đặt lên hàng đầu. Việc hoàn thiện dự án đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành lại bộc lộ những bất cập, từ đó gây tác động xấu đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội...

Tại kỳ họp bất thường lần thứ năm (diễn ra trong các ngày từ 15 đến 18-1-2024), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ khi đã phối hợp chặt chẽ, cầu thị, lắng nghe để thống nhất được nhiều nội dung lớn, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội.

Một số vấn đề lớn của dự thảo luật tiếp tục được thảo luận, tiếp thu và chỉnh lý thỏa đáng, gồm: Dự phòng rủi ro; can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm…

Trên cơ sở đó, trong ngày làm việc cuối cùng, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), gồm 15 chương, 210 điều (bỏ 4 điều, bổ sung 11 điều, giữ nguyên 15 điều và chỉnh lý kỹ thuật các điều khác so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu).

Luật quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Riêng Khoản 3 Điều 200 và Khoản 15 Điều 210 của luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Điều 210 của luật quy định cụ thể về các nội dung chuyển tiếp.

Lấp khoảng trống pháp lý

Theo các chuyên gia, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ góp phần lành mạnh hệ thống ngân hàng. Bởi, luật “siết” lại tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông là tổ chức khi quy định tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ ở một tổ chức tín dụng (hiện là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (quy định hiện hành là 20%). Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với những sửa đổi, bổ sung quan trọng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ giúp việc kiểm soát sở hữu chéo, kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng hiệu quả, can thiệp các ngân hàng yếu kém kịp thời hơn.

Cũng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua kịp thời, góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 1-1-2024, nên bộ luật này sẽ lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu đã và đang gia tăng. Ngoài ra, luật tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hiện nay, kiến tạo khung pháp lý để phát triển một số dịch vụ ngân hàng mới như ngân hàng điện tử, ngân hàng số, cơ chế thử nghiệm cho các hoạt động Fintech (công nghệ tài chính)…

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) Nguyễn Đức Độ nhận định, các điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối, thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Giám đốc Khối nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng; hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm; can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý tài sản bảo đảm sẽ có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Minh bạch, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.