Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bức tranh doanh nghiệp đang sáng màu

Hồng Sơn| 06/10/2017 07:02

(HNM) - Nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng và hồi phục rõ nét, với tốc độ tăng dần qua từng quý. Các chuyên gia nhận định, GDP cả năm có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, xuất khẩu cũng tăng mạnh và sẽ là dấu ấn vượt khó. Có được những kết quả khả quan như vậy là do sự đóng góp trực tiếp, chủ yếu của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, những tháng qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ngày một tăng mạnh...

Ngành sản xuất sản phẩm điện tử đang có sự bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: Nhật Nam


Số lượng và quy mô đều tăng

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng qua, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 902 nghìn tỷ đồng. Số liệu này tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả nổi bật, đáng mừng, bởi nền kinh tế đã được tiếp sức bằng những đơn vị mới bước vào thị trường, nhất là sự bổ sung về vốn. Tính bình quân, mỗi doanh nghiệp mới thành lập có số vốn là 9,6 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và điều này đồng nghĩa với gia tăng niềm tin vào tương lai sản xuất, kinh doanh của giới chủ doanh nghiệp, là sự minh họa cho phong trào khởi nghiệp đang “ấm” dần lên trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, đã có 1.241 nghìn tỷ đồng của 27.500 lượt doanh nghiệp thay đổi, tăng vốn; nâng tổng số vốn thực chất được “bơm” vào nền kinh tế trong 9 tháng qua là 2.144 nghìn tỷ đồng. Cùng thời gian trên, có 21.100 doanh nghiệp tạm ngừng trong thời gian trước đã quay lại hoạt động...

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cho thấy, có 41,5% đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý trước. Có 52,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình quý IV sẽ tốt hơn quý III vừa qua, trong khi gần 50% số đơn vị tin rằng sẽ có thêm đơn đặt hàng. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bứt phá mạnh mẽ trong quý III, với mức tăng hơn 16,6% - cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây do có sự đóng góp quan trọng của các ngành: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại, sản xuất kim loại...

Như vậy, có thể nói bức tranh doanh nghiệp đang sáng màu, hứa hẹn sẽ đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế thời gian tới.

Liên tục cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp

Có thể nói, chưa bao giờ Chính phủ đặt rõ mục tiêu phấn đấu và quyết liệt trong công tác điều hành như hiện nay. Cải cách để phát triển đã trở thành định hướng nhất quán và yêu cầu để hành động, với những nội dung thực chất nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất, cũng như không ngừng cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh.

Trên thực tế, những người đứng đầu các bộ, ngành đều nhập cuộc, chủ động phát huy tinh thần cầu thị, rà soát, cắt bỏ những điều kiện kinh doanh, “giấy phép con” thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Đơn cử, Bộ Công Thương vừa công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tạo dư luận tốt trong xã hội, nhất là sự đồng thuận, ghi nhận từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số cơ quan có chức năng nghiên cứu và phản biện như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... cũng đồng loạt vào cuộc, với những đóng góp bằng những việc làm cụ thể.

Trong một diễn biến mới nhất, Việt Nam được đánh giá là tiến bộ rõ nét trong cải cách kinh tế và tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa công bố. Như vậy, những nỗ lực trong điều hành của bộ máy quản lý các cấp đã được ghi nhận và phát huy tác dụng trên thực tế. Tất nhiên, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp chính là doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, các đơn vị đang trông đợi nhiều hơn, yêu cầu cao hơn về thời gian đối với các cơ quan quản lý. Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty An Việt chia sẻ: "Hiện, tâm lý của người khởi nghiệp nói chung đã cải thiện khá nhiều, chủ yếu là do họ được cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn một cách thiết thực, cụ thể. Doanh nghiệp đã an tâm hơn với chính sách, cơ chế của các cấp quản lý, từ vĩ mô đến địa phương. Bản thân đơn vị chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ UBND TP Hà Nội, Sở Công Thương. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang quan tâm, đánh giá cao về kết quả của công tác rà soát, cắt bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý...".

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trên thực tế phần lớn doanh nghiệp đã cảm nhận được những chuyển biến trong công tác cải cách hành chính, hỗ trợ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ phức tạp với mục tiêu lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Hơn nữa, từng cơ quan cần tăng cường sự phối hợp, kết nối với nhau trong giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là nhất quán trong thực thi chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh doanh nghiệp đang sáng màu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.