(HNM) - Gần 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý quyết “dứt áo” rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, lộ trình triển khai kế hoạch “ly hôn” của nước Anh vẫn rối như tơ vò.
Các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu đề nghị EU lùi thời gian Brexit đến sau ngày 29-3. |
Động thái này được đưa ra sau khi dự thảo thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Theresa May xây dựng bị bác bỏ tại Hạ viện vào ngày 13-3, với kết quả 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận. Đây là lần thứ hai, chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing thất bại trong việc thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit với hy vọng bảo đảm tiến trình Anh rời EU không gây ra hỗn loạn hay xáo trộn ngoài mong muốn. Tương tự như lần bỏ phiếu trước, đa số các nghị sĩ vẫn cho rằng kế hoạch của Thủ tướng T.May vẫn để cho EU có tiếng nói quá nhiều đối với các điều luật của Anh. Đây cũng là lý do khiến người Anh ủng hộ “ly khai” với EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Một số nghị sĩ bảo thủ thuộc nhóm chống đến cùng thỏa thuận của Thủ tướng T.May thậm chí còn tuyên bố sẽ bỏ phiếu chấp nhận "Brexit không thỏa thuận" như một lựa chọn trên bàn đàm phán. Thế nhưng, phần lớn các nghị sĩ Anh không đồng ý phương án “Brexit cứng”, tức rời EU không cam kết, được cho là sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề cho cả hai bên. Đây là nút thắt khiến lộ trình Brexit của nước Anh rơi vào tình trạng bế tắc suốt thời gian qua và cũng khó có thể tìm ra được lối thoát trong thời gian ngắn.
Những gì đã diễn ra cho thấy, Thủ tướng T.May khó có thể đạt được sự đồng thuận tại Quốc hội thời gian tới bất chấp việc các nhà đàm phán EU đã tạo mọi điều kiện có thể nhằm giúp thỏa thuận Brexit được thông qua. Một thực tế đáng nói nữa là số nghị sĩ bảo thủ đề xuất Thủ tướng T.May từ chức ngày càng gia tăng với hy vọng người kế nhiệm bà sẽ cứng rắn, mạnh mẽ hơn nữa trong các cuộc đàm phán quyết định vị thế thực sự của Anh trên bản đồ kinh tế và chính trị tại châu Âu cũng như trên thế giới khi nước này không còn là thành viên EU.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, bế tắc hiện nay chỉ có thể được giải quyết trong chính nội bộ nước Anh bởi đến thời điểm này, quan điểm "đi hay ở" trong dư luận xứ Sương mù vẫn không rõ ràng. Chuyên gia khảo sát ý kiến John Curtice cho rằng, dù khả năng tiến hành lại cuộc trưng cầu ý dân đã bị Chính phủ Anh nhiều lần bác bỏ, nhưng nếu được triển khai, tỷ lệ ủng hộ Anh ở lại EU có thể lên đến 54%. Với tình cảnh này, dường như nước Anh càng cố tìm lối thoát lại càng bị chìm sâu vào các cuộc tranh cãi không nhân nhượng, kéo dài lê thê và tiếp tục thử thách lòng kiên nhẫn của các nhà lãnh đạo châu Âu trong thời gian tới.
Thực ra, không ít chính khách đã tỏ ra "sốt ruột" với “mớ bòng bong” tại nước Anh. Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier nhấn mạnh không ai có thể chứng tỏ được rằng Brexit có thể đem lại kết quả tích cực. Trong khi đó, điều phối viên của Nghị viện châu Âu về vấn đề Brexit Guy Verfhofstadt cho rằng EU cần gia tăng sức ép đối với Anh nhằm thúc đẩy tiến trình Brexit. Ông lưu ý liên minh chỉ có thể nhất trí cho phép Anh trì hoãn việc rời EU trong một thời gian ngắn nếu Quốc hội nước này làm rõ những điểm sẽ ủng hộ trong thỏa thuận Brexit.
Những ngày sắp tới sẽ là giai đoạn đầy khó khăn đối với nước Anh và Thủ tướng T.May. Nếu tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy chia rẽ nội bộ xung quanh vấn đề Brexit như hiện nay, đảo quốc mù sương có nguy cơ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị mới cùng những hệ lụy khó đoán định với nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.