(HNMO) – Tin từ Bộ Xây dựng cho biết, để từng bước lập lại trật tự trong quản lý phát triển đô thị, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật quản lý về phát triển đô thị.
Nhìn chung, tình hình phát triển đô thị tại các đô thị lớn của cả nước hiện còn tồn tại một số bất cập như: ách tắc giao thông, úng ngập khi mưa, lấn chiếm đất công, xây dựng không phép, ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó là hạ tầng kỹ thuật thiếu đồ bộ, không khớp nối được với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị, hạ tầng xã hội còn thiếu, chậm triển khai chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Ngoài ra, việc phát triển dự án đô thị mới tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn thiếu quy hoạch và kế hoạch phát triển dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, chắp vá, lãng phí đất đai và nguồn lực của xã hội. Để khắc phục, giải quyết những tồn tại nêu trên, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng đô thị, hiện Bộ cũng đã hoàn thành trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Cả nước hiện có 765 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 12 đô thị loại I, 10 đô thị loại II, 52 đô thị loại III, 58 đô thị loại IV và 631 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2012 đạt khoảng 32% (tính theo dân số nội thị của cả nước khoảng 27,95 triệu người; dân số đô thị trên 38,05 triệu người), tăng 3,2% so với năm 2011, tốc độ tăng năm 2012 cao hơn trung bình các năm; chất lượng đô thị chưa tương xứng với tốc độ tăng về phát triển đô thị; dân số đô thị phân bố không đồng đều chủ yếu tập trung vào các đô thị lớn; tỷ lệ đô thị hóa tại một số tỉnh đạt thấp so với trung bình cả nước (32%). Dân số các thành phố lớn (đô thị loại I và loại đặc biệt) chiếm khoảng 40-45% dân số đô thị toàn quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.