Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Tài chính giải đáp 3 vấn đề “nóng”

Theo chinhphu.vn| 24/06/2013 07:55

Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 23/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải đáp những vấn đề liên quan đến việc thu ngân sách, lộ trình giảm thuế cho doanh nghiệp và công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP.


Báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 5 tháng ước đạt 299.000 tỷ đồng, bằng chưa đầy 36,6% dự toán - con số khiến cho Quốc hội cũng như những người dân quan tâm đến kinh tế vĩ mô lo ngại. Trong khi đó, áp lực giảm thu vẫn là việc mà Chính phủ phải làm khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lãi suất, thuế và chi phí đầu vào. Bộ trưởng sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thời gian vừa qua, tình hình suy giảm của kinh tế thế giới ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành trong toàn quốc đã tập trung điều hành quyết liệt. Do vậy, những mục tiêu lớn về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, chúng ta vẫn đạt được.

Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên việc cân đối ngân sách tài chính trong năm 2013 cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong 5 tháng, chúng ta mới chỉ đạt 299.000 tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2012. Để khắc phục khó khăn này, toàn ngành Tài chính đang nỗ lực thực hiện một loạt biện pháp để tập trung, phấn đấu thực hiện tốt nhất, hiệu quả cao nhất trong dự toán ngân sách Nhà nước 2013.

Chúng tôi tập trung vào 3 nhóm giải pháp sau. Thứ nhất cùng với các cấp các ngành, chúng tôi triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ và 3 luật thuế vừa được Quốc hội thông qua, gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Với 3 luật thuế này đã giảm thu ngân sách trong năm 2013 là 7.000 tỷ đồng và trong năm 2014 là 36.000 tỷ đồng. Con số này trước mắt ngân sách chưa thu và thực chất, đây là số vốn để lại cho doanh nghiệp tái đầu tư, phát triển sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế, đồng thời cũng sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách trong tương lai.

Nhóm giải pháp thứ hai tập trung tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, chống hành vi chuyển giá, buôn lậu, tăng cường chế tài thực thi pháp luật về thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời.

Thứ ba là ngành tập trung vào triển khai thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm trong năm 2013. Cụ thể, trước mắt sẽ tiết kiệm thêm 10% chi phí thường xuyên, ngoài lương, ngoài chi cho con người của những tháng còn lại, đồng thời tiết kiệm thêm 20% chi phí điện, nước và tiết kiệm thêm 30% dự toán kinh phí đã phân bổ năm 2013 cho các hoạt động như lễ hội, tiếp khách, đi công tác nước ngoài.

Các doanh nghiệp đang trông chờ vào chính sách thuế khoan thư sức dân của Chính phủ. Bộ trưởng có thể cho biết các chính sách thuế này trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào để vực dậy sức sống của những doanh nghiệp?


Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng. Theo đó, giảm thuế suất phổ thông của thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014. Đây là mức thuế suất thấp nhất trong khu vực. Đồng thời quy định rõ lộ trình áp dụng mức thuế suất 20% kể từ ngày 1/1/2016, để giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.

Lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp này tập trung vào những lĩnh vực cần thu hút đầu tư, như nông nghiệp, nông dân, sản xuất năng lượng sạch, khoa học công nghệ và công nghệ cao...

Việc sửa đổi luật thuế nói trên là theo lộ trình chiến lược cải cách thuế, theo đó, có những việc chúng ta tập trung tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp từ 1/7/2013. Ví dụ chúng ta áp dụng thuế suất là 20% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm; đối với thuế giá trị gia tăng áp dụng thuế suất 5% với hoạt động cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho việc cho thuê nhà ở thương mại với căn hộ có diện tích dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Thưa Bộ trưởng, xăng dầu luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân và doanh nghiệp. Một người dân đặt câu hỏi: “Tôi chưa thấy Bộ Tài chính công khai việc chi tiêu Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trừ một lần duy nhất đại diện Bộ Tài trả lời trên phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng sau đó lại không thấy động thái gì nữa”. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào trước yêu cầu cần công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong những năm qua. Báo cáo này đã gửi đến từng đại biểu Quốc hội, đây là việc làm công khai rất minh bạch.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập một khoản tiền cụ thể, nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu. Do vậy, yêu cầu đòi hỏi phải công khai, phải minh bạch quỹ này là yêu cầu rất chính đáng. Quỹ được hình thành như một “van xả” để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu của chúng ta trên thị trường khi giá xăng dầu thế giới có biến động.

Tới đây Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu trên website của Bộ mỗi quý 1 lần vào tháng đầu quý. Đây cũng là điều kiện để người dân giám sát việc quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng như giám sát việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường mà chúng ta đang làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Tài chính giải đáp 3 vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.