(HNMO) – Trả lời phiên chất vấn sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ông rất trăn trở về việc 191.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: Tuổi trẻ |
Trả lời chất vấn của ĐB Bùi Thị Minh (Quảng Trị) về việc hơn 191.000 sinh viên ĐH ra trường không có việc làm trong khi việc đào tạo còn lãng phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận vấn đề này và ông cho biết bản thân ông cũng rất trăn trở. Theo Bộ trưởng, số sinh viên ra trường có việc làm ngay chủ yếu thuộc nhóm trường top trên, có bề dày, kinh nghiệm; còn phần lớn SV ra trường chưa có việc làm tốt nghiệp từ các trường thuộc nhóm yếu, mới thành lập. Bộ đã làm việc với VCCI và các doanh nghiệp để đào tạo lại, bổ sung cho nhóm đối tượng này, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Thời gian tới, Bộ cũng sẽ siết chặt cả đầu vào và đầu ra các trường ĐH, cao đẳng. Bên cạnh đó, tới đây, Bộ sẽ điều chỉnh mạng lưới trường ĐH, áp dụng chuẩn với các trường ĐH. Những trường yếu kém sẽ được quy hoạch là thành viên của các trường ĐH lớn hoặc là phân hiệu. Việc quy hoạch mạng lưới sẽ giúp hình thành các trường chất lượng, tập trung ở Trung ương hoặc theo vùng miền, không nhất thiết phải dàn trải ở khắp các địa phương.
Cùng chung mối quan tâm về việc 191.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, trong đó có nhiều người là người dân tộc thiểu số, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) muốn biết Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ LĐTBXH để giải quyết vấn đề này như thế nào.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã làm việc Bộ LĐTBXH nhưng thời lượng làm việc chưa được nhiều. Ông nhận khuyết điểm của Bộ về việc này. Ông cũng cho thêm, việc cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số không bám sát thực tế nên khi học xong về địa phương, các em không có công ăn việc làm. Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, ưu tiên cử tuyển gắn với việc làm.
Về đánh giá của Ngân hàng thế giới với nguồn nhân lực Việt Nam năm 2016 là yếu về chất lượng, thiếu năng động, sáng tạo, kiến thức, kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng ngoại ngữ được đặt ra trong chất vấn của ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận điều này và cho rằng, chất lượng giáo dục thấp có nguyên nhân là chương trình đào tạo chưa bám sát thị trường lao động, quá chú trọng kiến thức mà chưa chú trọng kỹ năng thực tế. Vì vậy, thời gian tới, theo người đứng đầu ngành giáo dục, vấn đề này sẽ được điều chỉnh để giáo dục bám sát thực tế, bám sát ý kiến nhà tuyển dụng, thị trường lao động nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo gắn liền với việc làm.
Trả lời câu hỏi của ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) về việc đào tạo sau ĐH nhiều năm gần đây còn bất cập, chưa tương xứng yêu cầu, những người trí thức dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm nhưng chính sách sử dụng nguồn nhân tài này còn tản mạn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua, do đào tạo với số lượng lớn nên một bộ phận không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
“Trước hết đây là trách nhiệm của Bộ trong quản lý đào tạo”, Bộ trưởng nói.
Qua rà soát, hệ thống văn bản quản lý chất lượng còn thiếu, chưa đồng bộ, hiện Bộ đang rà soát để xây dựng lại hệ thống văn bản.
ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) |
Về việc những người dân tộc thiểu số tự thi đỗ ĐH và sau ĐH nhưng lại không được đãi ngộ nhiều so với những người cử tuyển, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giải pháp tới đây là sẽ áp dụng học bổng đối với những trường hợp này, đề nghị các trường miễn học phí cho họ. Thời gian tới, Bộ sẽ ưu tiên đầu tư, đặc biệt là tạo việc làm, đồng thời làm việc kỹ hơn với Bộ Nội vụ và Chủ nhiệm ủy ban dân tộc về vấn đề này.
Trao đổi thêm về vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp, người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết, thời gian tới sẽ quy hoạch mạng lưới giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, quản trị, giảng dạy gắn với thực tế. Đặc biệt, Bộ sẽ có dự báo thị trường lao động và căn cứ vào dự báo này, phụ huynh, học sinh dễ lựa chọn ngành học hơn.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) về chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài hiện nay, Bộ trưởng Trần Xuân Nhạ cho hay, hiện có 5 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, trong đó trường RMIT được đánh giá có chất lượng tốt, sinh viên ra trường rất tốt, 4 trường còn lại đều là trường mới.
Với chất vấn của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về việc Việt Nam hiện có quá nhiều trường ĐH hay không? Bộ trưởng cho biết, nếu xét về số sinh viên/số dân thì không nhiều. Hiện ở nước ta có hơn 200 sinh viên/1 vạn dân, trong khi mức trung bình là 400 sinh viên/1 vạn dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu chất lượng trường ĐH thì hiện có nhiều trường. Vì thế, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường chất lượng trường ĐH theo hướng quy hoạch trường trọng điểm trập trung ở Trung ương, vùng, miền, các trường khác là thành viên của trường lớn hoặc là phân hệ nhằm tránh đầu tư dàn trải. Ngành giáo dục cũng khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư ĐH nhưng vốn phải cao, điều kiện quản lý tốt và phi lợi nhuận.
Liên quan đến ý kiến của một ĐB cho rằng các địa phương cũng cần trường ĐH, Bộ trưởng cho hay, trong mạng lưới chung, các trường ở địa phương vẫn có thể chia sẻ từ trường ĐH vùng, miền, sinh viên không nhất thiết phải học gần nhà. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường trường dạy nghề, trường cao đẳng.
“Thà có một trường dạy nghề tốt, còn hơn có một trường đại học dở”, Bộ trưởng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.