Nếu với tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chậm như hiện nay thì hết năm 2019 vẫn còn gần 167.000 tỷ đồng trong số 360.000 tỷ đồng phải giải ngân. “Đây là một con số rất đáng báo động”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lo ngại. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều dự án bị ách tắc, phát sinh chi phí. Nhiều trường hợp, khi dự án được điều chỉnh thì đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án, gia hạn giải ngân, kéo theo nhiều thủ tục pháp lý rất phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức. |
Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019, diễn ra ngày 26-6, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc giải ngân nhanh và có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, bao gồm vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đang được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán.
Theo Bộ Tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 điều chỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, vốn đã giao dự kiến khoảng 244.300 tỷ đồng. Tuy nhiên giải ngân lũy kế đến tháng 5-2019 hơn 133.040 tỷ đồng, xấp xỉ 37% vốn kế hoạch điều chỉnh.
Trình bày báo cáo về giải ngân nguồn vốn ODA, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hữu Long chia sẻ thêm, tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 rất chậm, đòi hỏi phải có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy giải ngân theo kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.
Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn ODA là do Kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu; kế hoạch đầu tư công 2019 phân bổ chậm. Việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như so với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ. Chỉ tính riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển, đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng nhu cầu, với nhu cầu vốn cần bổ sung là trên 34.000 tỷ đồng.
“Tình trạng giao kế hoạch vốn chưa đúng, chưa đủ vẫn còn tồn tại. Cá biệt có một số dự án đã hết thời hạn giải ngân nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn... Ví dụ: Dự án Xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; dự án Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh - tỉnh Thanh Hóa; Chương trình đào tạo nghề 2008”, ông Trương Hữu Long nói.
Việc điều chỉnh kế hoạch vốn ở các dự án và các tiểu dự án diễn ra thường xuyên và liên tục ở các bộ, ngành và địa phương. Nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh thì hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án, gia hạn giải ngân kéo theo nhiều thủ tục pháp lý rất phức tạp.
Điển hình là dự án Nâng cấp đô thị đồng bằng sông Cửu Long; dự án Phát triển đô thị loại vừa vay vốn WB; dự án Đường hành lang ven biển phía Nam; dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung vay vốn ADB; dự án Thu gom, xử lý nước thải thành phố Vũng Tàu vay vốn Chính phủ Pháp...
“Việc bố trí vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cấp phát từ Ngân sách Trung ương hiện chưa bảo đảm theo nhu cầu và tiến độ thực hiện dự án theo cam kết với nhà tài trợ nước ngoài, cụ thể là dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên; dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ, giai đoạn 2 và dự án Vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh – giai đoạn 2”, đại diện UBND thành phố Hồ Chí Minh nói.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao đủ kế hoạch 60.000 tỷ đồng vốn nước ngoài năm 2019 đã được Quốc hội phê duyệt ngay trong tháng 7-2019. Căn cứ vào đó, các bộ chủ quản, cơ quan tài chính các cấp hoàn thành việc giao, nhập và phê duyệt trên Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (Tabmis) ngay trong tháng 8-2019, để các dự án có cơ sở giải ngân hết kế hoạch vốn trong thời gian còn lại.
Để giúp các dự án có thể nhanh chóng triển khai theo đúng tiến độ, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và báo cáo ngay các cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh các nguồn vốn giữa các dự án cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế, đặc biệt đối với các dự án điều chuyển, điều chỉnh nội bộ trong kế hoạch của các bộ, ngành địa phương đã được bố trí nhưng không vượt kế hoạch.
“Các cơ quan cho vay lại, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, phối hợp với các cơ quan chủ quản và chủ dự án tháo gỡ vướng mắc về thẩm định cho vay lại, thẩm định tài sản bảo đảm, ký hợp đồng cho vay lại. Bộ Tài chính sẽ có buổi làm việc với ngân hàng để tháo gỡ vướng mắc”, đại diện Bộ Tài chính nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.