Sản xuất nông nghiệp còn những tồn tại, hạn chế
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội:
Sản xuất nông nghiệp còn những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Kinh tế nông nghiệp vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, hiệu quả thấp; ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết "bốn nhà" còn hạn chế; phát triển nông nghiệp công nghệ cao chậm; việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức... Mặc dù triển khai Chương trình Xây dựng NTM, thành phố đã bố trí nguồn lực khá lớn nhưng để hoàn thành chỉ tiêu Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đề ra đến năm 2020 có 70-75% tổng số xã đạt chuẩn NTM là nhiệm vụ khá nặng nề. Do vậy, thành phố cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt, tiếp tục có thêm chính sách và bổ sung nguồn lực để hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, chú trọng đầu tư hoàn thiện cứng hóa giao thông, thủy lợi nội đồng sau dồn điền, đổi thửa. Bởi nếu không được cứng hóa kịp thời, số lượng kênh mương, thủy lợi và giao thông mới được đào đắp bị sụt sạt làm lãng phí tiền của Nhà nước và công sức của nhân dân.
Ông Đinh Công Long - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất):
Tăng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đảng bộ xã Tiến Xuân đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu và thảo luận đóng góp ý kiến vào Dự thảo. Trong số 70 ý kiến đóng góp, đa số đồng tình với Dự thảo. Tiến Xuân là xã đồng bào dân tộc miền núi nơi có 65% dân số là người dân tộc Mường, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Mới sáp nhập về Thủ đô được 7 năm, Tiến Xuân đã được thành phố quan tâm thông qua Kế hoạch 166 (Số 166/KH-UBND ngày 30-11-2012 của UBND TP Hà Nội) về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Tuy vậy, vẫn còn một số công trình xây dựng cơ bản (đã được phê duyệt) bị chậm lại do thành phố chưa bố trí vốn kịp thời. Thời gian tới, thành phố có chính sách tăng cường đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là đường giao thông để thuận tiện cho việc sản xuất và sinh hoạt vì hiện nay, giao thông đường núi rất khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Sâm - Chủ tịch UBND xã Thượng Vực (Chương Mỹ):
Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ cơ sở
Sau khi nghiên cứu Dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XV) tại Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội, tôi nhận thấy văn kiện được chuẩn bị công phu, bố cục rõ ràng, khoa học, nội dung đầy đủ, đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực. Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thượng Vực nói riêng, huyện Chương Mỹ nói chung rất phấn khởi trước những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội… mà TP Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là kết quả 30 năm đổi mới ở Thủ đô. Song, điều mà tôi quan tâm nhiều nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Văn kiện đã khẳng định nhiệm kỳ qua, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được coi trọng, nhưng đánh giá rõ về công tác đào tạo cán bộ cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn). Hiện tại, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đồng đều, còn hạn chế; biên chế ít dẫn đến một số cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, hiệu quả công tác chưa cao; chế độ đối với cán bộ một số bộ phận như công an viên, công an thường trực quá thấp nên không tuyển được cán bộ vào làm việc... Đề nghị trong nhiệm kỳ tới, TP Hà Nội quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, chế độ đối với cán bộ cơ sở.
Ông Đỗ Văn Hưng, xã Cấn Hữu (Quốc Oai):
Thêm trang thiết bị, nhân lực cho các trạm y tế
So với nhiệm kỳ trước, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở nhiệm kỳ này có nhiều tiến bộ. Để từng bước khắc phục tình trạng quá tải của các bệnh viện, TP Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp; mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện, nhất là tuyến huyện. Theo đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, đã thực hiện thành công một số kỹ thuật mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ sở vật chất, chất lượng công tác khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện và cơ sở hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân, nên không ít người dân vẫn có tư tưởng vượt tuyến. Đáng nói, tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, số bác sĩ rất ít, có trạm vẫn chưa có bác sĩ, hoặc bác sĩ về làm được một vài năm lại chuyển công tác. Mong rằng trong thời gian tới, TP Hà Nội quan tâm đầu tư cả trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các trạm y tế, nhằm tạo điều kiện cho người dân khám chữa bệnh tại cơ sở, hạn chế quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.
Anh Đỗ Thế Huỳnh, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng):
Đánh giá sâu hơn việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Là công dân trẻ, tôi quan tâm tới việc triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. TP Hà Nội đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, điều chỉnh hành vi nhất là với thế hệ trẻ. Nhưng Dự thảo văn kiện chưa đi sâu phân tích kết quả đạt được ở từng cấp, từng khối cơ quan, đơn vị; những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình triển khai trên địa bàn và giải pháp khắc phục. Tất nhiên lĩnh vực này khó đánh giá bằng con số cụ thể, nhưng theo tôi Dự thảo vẫn có thể đánh giá sâu hơn việc triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh qua những phong trào, việc làm cụ thể. Đánh giá đúng, có giải pháp đúng sẽ khơi dậy được phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.