(HNMO) - Ngày 25-8, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, bộ sách giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học đang gây xôn xao dư luận đã được hiệu chỉnh trong lần tái bản năm 2015.
Đây là sách tham khảo do TS. Phan Quốc Việt chủ biên, không phải sách giáo khoa. Bộ sách được xuất bản lần đầu năm 2014. Sau khi phát hành, NXB Giáo dục Việt Nam đã nhận được một số ý kiến đóng góp của giáo viên, phụ huynh về những chi tiết chưa phù hợp. Tiếp thu ý kiến, khi tái bản cuốn sách này, NXB đã loại bỏ những phần chi tiết kiến thức chưa phù hợp và có hiệu chỉnh.
Nội dung của bộ sách được cấu trúc lại theo 7 chủ đề: Tự phục vụ tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết các vấn đề hiệu quả; Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động xã hội; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kĩ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn bè và những người khác, yêu trường lớp, yêu quê hương đất nước.
So sánh giữa sách xuất bản năm 2014 và 2015, nội dung đã có sự thay đổi đáng kể. Riêng bài học về sự dũng cảm thông qua câu chuyện đi trên lớp thủy tinh đã được cắt bỏ hoàn toàn. Phần kiến thức này được chuyển sang cho học sinh lớp 2 bằng một bài học phù hợp hơn.
Cụ thể, bài học vượt qua nỗi sợ hãi được thông qua câu chuyện: “Lúc còn nhỏ, có một lần Hùng bị ngã xuống ao, suýt chết đuối. Từ đó, Hùng rất sợ nước và không dám tập bơi. Một hôm, trên đường đi học về, Hùng nhìn thấy một bạn bị ngã xuống sông. Thật may, đúng lúc đó có anh cùng trường nhảy xuống cứu kịp thời. Về đến nhà, Hùng suy nghĩ mãi về chuyện đó. Hùng nghĩ, nếu mình bị ngã xuống nước mà không có ai cứu thì sẽ thế nào. Và rồi Hùng quyết tâm tập bơi. Suốt mùa hè, dù trời nắng hay mưa, chiều nào Hùng cũng đi tập. Cuối năm học, nhà trường tổ chức cuộc thi bơi, Hùng đăng kí thi. Kết quả thật bất ngờ, Hùng giành giải nhất toàn trường”.
Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định. Mặc dù sách đã được hiệu chỉnh cho phù hợp, nhưng NXB sẽ tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến xây dựng của giáo viên, phụ huynh và học sinh để bộ sách ngày càng hoàn thiện hơn. Liên quan đến sự việc, ngày 25-8, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi NXB Giáo dục Việt Nam yêu cầu khẩn trương kiểm tra tình hình, kịp thời xử lý và báo cáo Bộ trước ngày 28-8.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.