(HNMO) - Sau vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, trên các trang mạng xã hội có nhiều luồng thông tin gây nhiễu loạn, khiến người dân phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) bất an. Tuy nhiên, sau những diễn biến thực tế, phần lớn người dân ở đây đã bình tĩnh trở lại, không còn quá hoang mang, lo lắng.
Anh Ngô Văn Lực (44 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), người chở nguyên vật liệu xây dựng cho đại lý kinh doanh Thúy Khuyên (ngõ 342 Hạ Đình) không khỏi buồn bã, mệt mỏi vì sau vụ hỏa hoạn, cuộc sống và công việc của anh có nhiều đảo lộn. 12 năm làm việc tại đây, anh vẫn thường ngủ lại cửa hàng để có thêm sức khỏe và thời gian đi chở nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, từ sau vụ hỏa hoạn, chỉ ban ngày anh đến làm còn tối lại về quê. Có lẽ cũng vì quá âu lo, căng thẳng, mất nhiều thời gian đi lại nên những ngày qua anh ăn ngủ kém hơn, nhưng không bị đau đầu, tức ngực. Nghe thấy một vài người dân trong khu vực đi khám sức khỏe về đều cho kết quả bình thường nên anh cũng thông báo để người nhà yên tâm.
Cũng kể từ sau hỏa hoạn, bà Nguyễn Thị Hà (57 tuổi), sống ở cuối ngõ 85 Hạ Đình, trong căn nhà sát vách với khu vực nhà xưởng bị cháy tại Công ty Rạng Đông vẫn làm công việc quen thuộc là bán hàng nước. Ngồi bán hàng, bà cũng nắm bắt được nhiều thông tin để thông báo lại cho các hộ dân trong ngõ.
Sau vụ cháy, có lẽ do quá nhiều thông tin thiếu nhất quán, thậm chí trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin mang tính “hù dọa” là nguyên nhân khiến người dân Hạ Đình âu lo, mệt mỏi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực về y tế, môi trường trong và ngoài nước đã đưa ra các khuyến cáo dựa trên dẫn cứ khoa học nên người dân đã yên tâm hơn.
Thực tế, không chỉ có hơn 1.000 người dân trong khu vực này sau khi khám sức khỏe không phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường mà ngay cả các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, phóng viên tác nghiệp tại hiện trường ngay khi vụ cháy xảy ra đến nay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Cụ thể, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân, phụ trách công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, ngoại trừ một chiến sĩ bị sặc khói khi tham gia dập lửa, còn lại các chiến sĩ tham gia chữa cháy hôm đó (28-8) đều khỏe mạnh và đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng đến sức khỏe, các chiến sĩ luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới.
“Chiến sĩ Nguyễn Bảo Hoàng bị sặc khói phải vào viện điều trị, nhưng đã xuất viện ngay hôm sau. Hoàng đã cùng đồng đội tham gia một vụ chữa cháy ngay tối hôm xuất viện”, Thượng tá Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Phóng viên Sơn Bách (TTXVN) có mặt tác nghiệp suốt đêm hôm đó ở hiện trường vụ cháy. Đến khi có thông tin về vấn đề ô nhiễm, anh được tòa soạn quan tâm bố trí đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai, và kết quả là sức khỏe an toàn. Trùng hợp, phóng viên Sơn Bách cũng sinh sống ngay trên phố Hạ Đình nên là “người trong cuộc” suốt nhiều ngày qua. Anh Bách cho biết, cá nhân khá an tâm khi những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân quanh khu vực được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội quan tâm. Nhất là thông tin kết quả quan trắc chỉ số thủy ngân trong chuẩn cho phép.
“Những ngày này, tôi hạn chế lên mạng xã hội đọc tin tức vì những thông tin trên đó thiếu kiểm chứng, khiến mình hoang mang. Những thông tin như thế nếu cứ tiếp tục được truyền miệng, đồn thổi thì sẽ rất nguy hiểm. Do đó, tôi vào những báo chính thống của thành phố để tìm đọc thông tin. Khi biết các chỉ số ở trong phạm vi an toàn nên yên tâm hơn. Con tôi vẫn tiếp tục đi học ở Trường Tiểu học Hạ Đình” - chị Nguyễn Hà Thanh, cư dân sống trong phạm vi khuyến cáo 500m trên phố Hạ Đình chia sẻ.
Trong diễn biến mới nhất, sáng nay (11-9), tại nhà văn hóa phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân đã tổ chức hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại khu vực liên quan đến vụ cháy.
Bà Vũ Thị Thu Hiền (tổ 26 phường Thanh Xuân Trung) hay bà Hà Thị Quý (tổ dân phố số 9, phường Thanh Xuân Trung), nhà ở gần hiện trường vụ cháy đều an tâm tin tưởng khi đã được cung cấp kiến thức về sự phơi nhiễm, tác hại của thủy ngân và vệ sinh nhà cửa, môi trường đúng cách.
“Sau khi xảy ra vụ cháy, tôi đã tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa để tránh tác hại của thủy ngân, nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng bởi không biết mình đã tổng vệ sinh đúng cách, triệt để chưa. Sau khi nghe chuyên gia y tế tư vấn, tôi đã bớt hoang mang”, bà Quý chia sẻ.
Không chỉ với bà Hiền và bà Quý, hàng trăm người dân khác trên địa bàn phường khi đã có những hiểu biết, kiến thức nhất định thì tự khắc mối lo sợ không đáng có sẽ dần biến mất.
Đúng như những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sự cố sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông đã bị đẩy lên cao trào bởi thiếu đi những hiểu biết về chuyên môn để giải thích rõ ràng cho người dân.
Đáng mừng là những ngày gần đây, các cơ quan của thành phố, với sự vào cuộc trách nhiệm nhất, công bố thông tin đều đặn và có sự thống nhất về kết quả quan trắc: hàm lượng thủy ngân tại khu vực bị cháy đều trong giới hạn cho phép.
Cùng với sự lên tiếng của những nhà khoa học, những chuyên gia y tế về môi trường, những kiến thức cần thiết, chính thống và tin cậy đang được người dân tiếp nhận, giúp họ có cơ sở để vững tin, chung tay cùng nỗ lực của cả thành phố, giúp nhịp sống nơi đây trở lại bình thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.